Ảnh minh họa.
Theo Hướng dẫn số 25, có 15 vi phạm phổ biến thường gặp trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại (KDTM) về tranh chấp HĐTD. Cụ thể:
Xác định không đúng tư cách tố tụng của đương sự
Đối với HĐTD do chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD) xác lập, thực hiện với khách hàng, nhiều trường hợp Tòa án vẫn xác định chi nhánh, phòng giao dịch là đương sự trong vụ án.
Trường hợp khác, đối với HĐTD do doanh nghiệp tư nhân vay vốn, khi tham gia tố tụng, có Tòa án vẫn xác định tên doanh nghiệp tư nhân hoặc xác định giám đốc doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tư nhân thuê để quản lý doanh nghiệp là đương sự.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý, trong trường hợp nêu trên, phải xác định pháp nhân là đương sự căn cứ khoản 6, Điều 84, Bộ luật Dân sự năm 2015 và phải xác định ông, bà... chủ doanh nghiệp tư nhân... tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1, Điều 183, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tương ứng khoản 1, Điều 188, Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng đối với trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân
Nhiều trường hợp Tòa án chỉ căn cứ sổ đỏ đứng tên một người vợ hoặc chồng thế chấp, nên chỉ đưa người này tham gia tố tụng mà không đưa người còn lại vào tham gia tố tụng dẫn đến có thể có những thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý, trường hợp tài sản đứng tên một người thời kỳ hôn nhân không chỉ xem xét nội dung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), mà còn phải căn cứ và Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ).
Cụ thể cần căn cứ Điều 27, Luật HN&GĐ năm 2000, Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014, đặc biệt có trường hợp phải áp dụng Điều 15, Luật HN&GĐ năm 1959 và những quy định có liên quan để xem xét kỹ nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay được tặng cho, được thừa kế.
Nếu đứng tên riêng thì xem xét những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng; những tài liệu, chứng cứ kèm theo; trường hợp cần thiết phải xác minh hồ sơ cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất để xem xét về nguồn gốc hình thành tài sản.
Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong GCNQSDĐ) vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.
Đình chỉ giải quyết vụ án do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể không đúng
Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể, nhiều trường hợp, Tòa án đình chỉ giải quyết vì cho rằng không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết là không đúng.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, Kiểm sát viên căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 74, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
Đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện do bị đơn thay đổi địa chỉ không đúng
Thực tế, không ít trường hợp sau khi vay được tài sản, bị đơn có dấu hiệu trốn nợ như thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh; hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không biết địa chỉ của người quản lý, đại diện theo pháp luật.
Khi khởi kiện, TCTD ghi đúng địa chỉ bị đơn khi ký HĐTD, nhưng do không tống đạt cho đương sự được (do thay đổi địa chỉ), Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện là không đúng quy định.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 04/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Trường hợp bị đơn, người liên quan “cố tình giấu địa chỉ” thì Kiểm sát viên xem xét có dấu hiệu hình sự hay không để có định hướng tiếp tục giải quyết vụ án.
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì kiểm sát việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ hoặc trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người liên quan thì có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.
Bỏ sót thành viên hộ gia đình có quyền đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên “hộ gia đình”
Thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp Tòa án bỏ sót thành viên hộ gia đình tham gia tố tụng, dẫn đến không ít bản án, quyết định bị hủy sửa.
Đối với những trường hợp này, Kiểm sát viên cần lưu ý, để xác định có bao nhiêu người trong hộ gia đình thực sự có quyền về tài sản, cần lưu ý không chỉ căn cứ vào nội dung GCNQSDĐ, sổ hộ khẩu, mà cần phải xác định rõ ai mới là thành viên của hộ thực sự có quyền về tài sản.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện
Thực tiễn giải quyết tranh chấp HĐTD, việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án có còn hay không, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án đúng quy định.
Vấn đề này, Kiểm sát viên lưu ý tính đặc thù về thời hiệu giải quyết loại án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” mặc dù Điều 429, Bộ luật Dân sự 2015 quy định chung về “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 155, Bộ luật Dân sự 2015 thì không áp dụng thời hiệu đối với “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, nên Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo thủ tục chung.
Xác định việc phạt vi phạm không đúng
Thực tế, trong nhiều HĐTD có quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn.
Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn; khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại HĐTD đã công nhận điều khoản này là không đúng.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép phạt nhiều lần về cùng vi phạm trong HĐTD. Điều 12, Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.
Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn), lại còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng.
Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thỏa thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo HĐTD
Trong một số HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: Lãi suất cho vay trong hạn; Lãi suất nợ quá hạn; Việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD.
Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi, có trường hợp Tòa án tuyên: “Áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” và không điều chỉnh lãi suất vay theo thỏa thuận của các bên trong HĐTD là không đúng, dẫn đến nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong HĐTD cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
Trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của TCTD.
Về căn cứ xác định cách tính khoản tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
Từ khi có Án lệ số 08/2016, nhiều Tòa án đã xác định các khoản tiền vay của các TCTD, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo HĐTD tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục khoản lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.
Tuy nhiên, đến khi ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì việc xác định mức lãi suất, thời điểm tính lãi suất và số tiền để tính lãi suất được hướng dẫn theo Nghị quyết này.
Vì vậy, khi kiểm sát việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án đối với loại án về tranh chấp HĐTD, Kiểm sát viên cần chú ý áp dụng cho chính xác và đầy đủ văn bản pháp luật hướng dẫn về cách tuyên án này.
Không xem xét việc thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp
Không ít trường hợp, Tòa án không xem xét thẩm định tại chỗ, vì cho rằng không có ai yêu cầu, hoặc trường hợp vụ án bị hủy để xét xử lại thì Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ. Vi phạm này, dẫn đến bản án, quyết định bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.
Vì vậy, trong quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Trường hợp Tòa án không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ vì các lý do trên thì Kiểm sát viên cần yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định lại tài sản, vì qua thời gian, tài sản có thể có những biến động, như có sự thay đổi về tài sản trên đất, người quản lý tài sản...
Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng
Thực tế, xảy ra nhiều trường hợp trên đất có nhiều loại tài sản mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất được thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác.
Khi giải quyết, một số Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ (hoặc vô hiệu một phần) hợp đồng thế chấp (HĐTC), trong khi HĐTC có nội dung và hình thức phù hợp với quy định pháp luật là không đúng.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Trường hợp HĐTC được ký kết tự nguyện, được công chứng, chứng thực, tài sản đã được TCTD xem xét, thẩm định và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định, thì không vì những lý do như có tài sản phát sinh trên đất tranh chấp, giao dịch về tài sản trước đó bị vô hiệu để xác định vô hiệu, mà phải công nhận hiệu lực của HĐTC.
Xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu không đúng
Có trường hợp tổ chức, cá nhân dùng tài sản của chính mình để bảo đảm nghĩa vụ vay của người khác. Tuy nhiên, một số cơ quan tố tụng lại cho rằng HĐTC đối với tài sản của bên thứ ba vô hiệu do nhận thức rằng thực chất đây là hợp đồng bảo lãnh, do đó các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh chứ không phải HĐTC của bên thứ ba.
Nhận thức khác còn cho rằng, việc bảo lãnh không chỉ định tài sản cụ thể làm tài sản bảo đảm, nếu có việc chỉ định này thì giao dịch trở thành giao dịch cầm cố hoặc thế chấp. Nhận thức này là không đúng với các quy định của Bộ luật Dân sự.
Khi kiểm sát trường hợp này cần lưu ý, một số TCTD đặt tên là “hợp đồng thế chấp” hoặc “hợp đồng thế chấp và bảo lãnh”, “hợp đồng thế chấp của người thứ ba”... đều mang tính hình thức.
Vấn đề quan trọng là nội dung thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra, căn cứ khoản 1, Điều 335, Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 3, Điều 336, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xem xét những thỏa thuận xử lý tài sản của bên thứ ba. Nếu thỏa thuận phù hợp với quy định nêu trên vẫn có hiệu lực, không bị vô hiệu.
Vi phạm do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay
Một số trường hợp khi bên có tài sản thế chấp giới hạn việc thế chấp để đảm bảo khoản vay trong phạm vi hạn mức số tiền vay nhất định.
Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án không xem xét kỹ trường hợp này, mà áp dụng theo các HĐTC thông thường không bị giới hạn phạm vi thế chấp tài sản là không đúng quy định.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Phải xem xét kỹ phạm vi bảo đảm đối với khoản tiền vay trong HĐTC cụ thể và trình bày của đương sự về phạm vi bảo đảm.
Hủy toàn bộ bản án, quyết định không đúng
Trường hợp khi giải quyết tranh chấp HĐTD gồm 02 phần, phần nợ vay và phần tài sản bảo đảm, Tòa án cấp dưới đã giải quyết đúng phần nợ vay, còn phần tài sản bảo đảm giải quyết chưa đúng.
Nhưng khi Tòa án cấp trên giải quyết lại tuyên hủy toàn bộ bản án, quyết định là không đúng, dẫn đến vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm để giải quyết lại.
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Đa số tranh chấp HĐTD, thường Tòa án giải quyết hai phần, phần tranh chấp khoản tiền vay (gồm gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phí) và phần xử lý tài sản bảo đảm.
Đây là hai phần độc lập không ảnh hưởng đến việc giải quyết, nên nếu chỉ giải quyết sai phần xử lý tài sản bảo đảm thì chỉ tuyên hủy một phần bản án, quyết định, không hủy toàn bộ bản án, quyết định.
Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự
Trong không ít vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” có dấu hiệu hình sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chẳng hạn, hành vi của ông A. đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B, nhưng sau đó lại sử dụng tài sản này thế chấp vay ngân hàng; hoặc trường hợp giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp tín dụng cho những trường hợp vượt quá thẩm quyền gây thiệt hại nghiêm trọng.
Những trường hợp này, có Tòa án vẫn giữ lại để xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự là “dân sự hóa hình sự”, dẫn đến bản án, quyết định bị hủy sửa,
Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý: Trong vụ án về tín dụng có dấu hiệu hình sự thì cần phải kiên quyết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
QUÝ NGUYỄN
Thông báo rút kinh nghiệm vụ án 'Tranh chấp quyền sử dụng đất'