/ Tích hợp văn bản mới
/ Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 10/2020

Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 10/2020

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Tháng 10/2020, nhiều chính sách mới quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sẽ bắt đầu có hiệu lực như: Phạt tới 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác; bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng; tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai; giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp;…

Ảnh minh họa.

Phạt tới 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Nghị định 91/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/8/2020 về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2020. Trong đó quy định mức phạt tới 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo; Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; Gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền… biên giới, phạt đến 100 triệu đồng

Tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;

- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;

- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng 80 - 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định quy định mức phạt với hành vi vẽ, viết thêm, tẩy xóa chữ trên các biển báo khu vực biên giới sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Mức phạt thấp nhất là 500.000 - 1 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng, phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).

Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai

Hành vi bán xăng dầu qua thùng, can, chai sẽ bị tăng mức phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10.

Theo đó, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (trước đây phạt từ 2 - 4 triệu đồng) trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.

Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế

Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh hàng miễn thuế đã quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế, có hiệu lực từ 15/10. Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định quy định đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế, cụ thể:

Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế.

Trong đó, người xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế; cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, cửa khẩu cảng biển loại 1, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế nằm trong khu vực cách ly.

Người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Hàng hoá miễn thuế được nhận tại quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh.

Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế được mua hàng miễn thuế tại cửa khẩu cảng biển loại 1, cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Trường hợp mua hàng miễn thuế trong nội địa thì khách du lịch được nhận hàng tại quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 1 nơi khách du lịch xuất cảnh.

Phải nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại

Thông tư 23/2020/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành đã quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại từ ngày 30/10/2020.

Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở quy định cụ thể như sau:

- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: 98.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: 231.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: 339.000 đồng.

Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ 20/10/2020. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng 02 hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Đánh giá định kỳ được thực hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp

Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau:

- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn.

- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

THANH THANH

/mot-so-van-de-phap-ly-ve-xet-xu-luu-dong.html
/hang-loat-chinh-sach-moi-quan-trong-co-hieu-luc-tu-thang-9-2020.html