Với vị thế và hình ảnh của Khoa đào tạo Luật sư – Học viện Tư pháp trong chặng đường 15 năm phát triển là sự tích lũy những thành quả truyền thống của các thế hệ thầy cô giáo, viên chức, người lao động và các thế hệ học viên trong suốt 15 năm thành lập Khoa. Giá trị truyền thống to lớn và vẻ vang này cần được trân trọng, gìn giữ phát huy và nâng lên một tầm cao mới.
Đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề luật sư
Khoa Đào tạo Luật sư được thành lập theo Quyết định số 295/QĐ-GĐ ngày 22/9/2004 của Giám đốc Học viện Tư pháp, theo đó Khoa Đào tạo Luật sư là đơn vị chuyên môn thuộc Học viện Tư pháp. Hiện nay, đội ngũ viên chức, người lao động của Khoa có 20 người, gồm 01 Trưởng khoa, 02 Phó Trưởng khoa, 15 giảng viên, 02 trợ lý khoa. Tất cả giảng viên đều có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên, trong đó có 01 PGS.TS – Giảng viên cao cấp; 08 giảng viên có trình độ Tiến sỹ, 01 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh.
Trải qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, Khoa đào tạo Luật sư đã ghi tên mình vào trang sử hào hùng của ngành Tư pháp, Học viện Tư pháp bằng những mốc son đáng nhớ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cải cách tư pháp, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 – 2020, Khoa Đào tạo Luật sư có những thành tích xuất sắc nổi bật trong công tác đào tạo nghề luật sư, góp phần vào thành tích chung của Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp.
Cụ thể, về công tác phát triển đội ngũ cán bộ, Khoa đã chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu, cũng như giảng viên thỉnh giảng. Hiện nay, đội ngũ viên chức, người lao động cơ hữu của Khoa có 20 cán bộ, giảng viên và có sự tham gia của 160 giảng viên thỉnh giảng. Các giảng viên thỉnh giảng đều là những giảng viên có uy tín, kinh nghiệm nghề nghiệp. Các bộ môn thuộc khoa thường xuyên duy trì các buổi họp chuyên môn, tọa đàm, trao đổi thống nhất chuyên môn và tập huấn phương pháp sư phạm. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của khoa đạt hiệu quả.
Về công tác giảng dạy, Khoa Đào tạo Luật sư đã tham gia vào hoạt động đào tạo, giảng dạy nghề luật sư thành công, được đánh giá cao. Đặc biệt, trong năm 2019, Học viện Tư pháp đã mở lớp đào tạo nghề luật sư chất lượng cao với 40 học viên thí điểm. Các học viên lớp chất lượng cao được học theo phương pháp mới, cách tiếp cận mới trong hoạt động đào tạo nghề luật sư và chất lượng giảng dạy được học viên đánh giá cao. Tính đến tháng 6 năm 2020, mặc dù vướng dịch Covid-19 nhưng Học viện tư pháp đã mở các lớp đào tạo nghề luật sư tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương như Lâm Đồng, Đak Lak, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng… với hơn 1.000 học viên.
Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, hoạt động đào tạo nghề luật sư đã được đa dạng hóa và ngày càng mở rộng với các chương trình đào tạo nghề luật sư, hình thức tổ chức dạy - học; liên kết đào tạo ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc. Đây là minh chứng cho việc triển khai thành công các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp và nhu cầu cấp thiết của xã hội. Với kết quả đào tạo này đã góp phần đặc biệt quan trọng tạo nguồn nhân lực tư pháp, nền tảng thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách tư pháp.
Tạo nên sự thay đổi về “chất”
Năm 2019 là năm đánh “dấu son” trong lịch sử đào tạo nghề luật sư ở Học viện Tư pháp với sự kiện triển khai song hành chương trình đào tạo nghề luật sư truyền thống, chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư với việc thí điểm triển khai thực hiện chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư chất lượng cao. Chương trình đào tạo nghề luật sư ngày được xây dựng hoàn thiện, hiện đại, công bố rõ ràng về chuẩn đầu ra, phân định khối kiến thức cần biết, phải biết, nên biết; bảo đảm được tính liên thông, thuận tiện cho việc tổ chức dạy - học, có tính đến đặc thù ở từng địa phương mở lớp, phát huy tốt nhất khả năng của người học.
Thành công trong việc xây dựng chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao nhằm triển khai thí điểm các lớp đào tạo nghề luật sư chất lượng cao để tạo nên sự thay đổi về chất trong sản phẩm đào tạo, thông qua thi tuyển đầu vào, bố trí giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy; tổ chức lớp học nhóm nhỏ, trang thiết bị phòng học, thực hành nghề luật sư đầy đủ, tổng kết rút kinh nghiệm để thực hiện định hướng của Học viện Tư pháp sẽ triển khai đồng loạt mô hình đào tạo này cho tất cả các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp. Hoạt động nghiên cứu khoa học này có giá trị ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam.
Từ năm 2015 đến 2019 Khoa đào tạo Luật sư đều đạt được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm 2015 và 2017; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019.
PHƯƠNG MAI/PLVN