Bổ sung trường hợp không áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 128/2024/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng sẽ không bị áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Cụ thể, theo Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP trước đây, các hoạt động khuyến mại không bị áp dụng hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại gồm có:
- Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại;
- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
- Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương);
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi);
- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
Tuy nhiên, ngoài các trường hợp nêu trên thì các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận cũng sẽ không bị áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Cụ thể là hoạt động khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại Điều 15 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Bỏ quy định giới hạn khoảng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại tập trung
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định 81/2018/NĐ-CP trước đây thì hoạt động khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước chủ trì chỉ được tổ chức trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các tỉnh, thành phố đã xuất hiện các cửa hàng, trung tâm chuyên bán các sản phẩm chính hãng là hàng tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng có nhược điểm… nhằm phát triển hoạt động du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương và để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Việc chỉ được thực hiện hoạt động khuyến mại này trong một khoảng thời gian xác định dẫn đến hiệu quả hoạt động của các cửa hàng và trung tâm này là chưa cao. Do đó, Nghị định 128/2024/NĐ-CP đã không còn giới hạn thời gian tổ chức của hoạt động khuyến mại tập trung nêu trên.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đối với một số hoạt động khuyến mại
Khác với quy định trước đây, từ thời điểm Nghị định 128/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thương nhân khi thực hiện các hoạt động khuyến mại sau đây sẽ không còn phải thực hiện thông báo hoạt động khuyến mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại;
- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
- Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền;
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá);
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.
Việc điều chỉnh quy định về đối tượng cần thông báo hoạt động khuyến mại này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động khuyến mại.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.