/ Tin nổi bật
/ Những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, quan điểm xây dựng Luật là thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kết luận số 120-KL/TW; Thông báo kết luận số 160-TB/TW và các văn bản có liên quan. Bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp. Bảo đảm phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội; bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, mục đích xây dựng dự án Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, dự thảo Luật có nhiều điểm mới cơ bản, đó là: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành. Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật...  

Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của nhân dân. Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nghị quyết của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ UBND cấp huyện sang UBND cấp xã. Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành.

Về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị: Không quy định về dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan do vấn đề này đã được quy định tại các luật chuyên ngành và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức công khai thông tin là thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở: Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về Thanh tra nhân dân: Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại dự thảo Luật quy định theo hướng khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của cơ quan này.

Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật: Dự thảo Luật quy định các nội dung giao Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật.

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Đây là dự án Luật hết sức cần thiết, phạm vi điều chỉnh rộng, cần phải được nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 trong tháng 5/2022. Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ ủy quyền trình dự án Luật đã chuẩn bị công phu, cơ quan thẩm tra cũng đã có những ý kiến xác đáng, xem xét kỹ.

Phạm vi của dư án Luật cần điều chỉnh đầy đủ, toàn diện khái niệm dân chủ ở cơ sở. Trong dự án Luật này cần quy định rõ phạm vi của Luật, không chồng chéo vào những Luật khác đã có hiệu lực. Dự án Luật trình lần đầu cần làm rõ phạm vi “ở cơ sở”.  

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Sự cần thiết của việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa phương châm của Đảng là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ban soạn thảo Luật và cơ quan thẩm tra tiếp tục kế thừa các quy định của các Luật hiện hành. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc. Đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong dự thảo Luật; thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hoàn thiện báo cáo tổng kết để phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung được điều chỉnh trong Luật; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật theo hướng tập trung đánh giá tác động đối với những chính sách mới được bổ sung trong dự án Luật so với hồ sơ Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

HÀ ANH

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Lê Minh Hoàng