Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, 11 Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
1. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được ban hành nhằm bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu; hoàn thiện cơ chế quản lý và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Luật gồm 11 chương, 141 điều với một số điểm mới cơ bản như: Quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần quy định của Luật Người cao tuổi về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến một số nhóm đối tượng, như: chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương..., người lao động làm việc không trọn thời gian...
Mở rộng quyền lợi được thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người tham gia bảo hiểm xã hội ở một số nhóm đối tượng như: người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Quy định cụ thể về "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở"; về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước. Quy định về việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung…
2. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc.
Luật gồm 07 chương, 86 điều, quy định một số nội dung cơ bản như: Vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc xây dựng và phát triển, chính sách của nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh, quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh. Nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp, ngân sách bảo đảm và dự trữ vật tư cho động viên công nghiệp. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp động viên. Chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp động viên. Chính sách đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh…
3. Luật Đường bộ được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân. Luật gồm 6 chương, 86 điều, quy định một số nội dung cơ bản như: Kết cấu hạ tầng đường bộ. Đường bộ cao tốc. Vận tải đường bộ. Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ…; trong đó, dành 1 chương để quy định về đường bộ cao tốc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, xây dựng đường bộ cao tốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của người dân.
4. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành nhằm khắc phục những bật cập, hạn chế sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Luật gồm 09 chương, 89 điều, với một số nội dung cơ bản như: Quy tắc giao thông đường bộ. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
5. Luật Lưu trữ (sửa đổi) được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế. Luật gồm 08 chương, 65 điều, quy định một số nội dung mới như: Bổ sung tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã vào nguồn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Bổ sung quy định về áp dụng Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan để xử lý mối quan hệ giữa Luật Lưu trữ và quy định của một số luật hiện hành có quy định đặc thù về hoạt động lưu trữ, nhất là với quy định của Luật Di sản văn hóa.
Rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 5 năm tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành. Bổ sung quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ điện tử và nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử. Dành 1 chương để quy định về lưu trữ tư, trong đó quy định các chính sách của Nhà nước về lưu trữ tư để thu hút nhiều hơn sự tham gia của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động lưu trữ. Quy định 1 chương riêng về hoạt động dịch vụ lưu trữ, trong đó quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động dịch vụ lưu trữ, phạm vi cung cấp dịch vụ lưu trữ, đơn giản hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ...
6. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các loại vũ khí tự chế, dao, kiếm, mã tấu và nhiều loại công cụ nguy hiểm khác; đồng thời sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Luật gồm 8 chương, 75 điều, trong đó, có một số nội dung mới quy định "dao có tính sát thương cao" thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, khi sử dụng vào mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì xác định là vũ khí thô sơ, khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì xác định là vũ khí quân dụng; đồng thời, giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển hoặc mang dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường quản lý các hoạt động này, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng để vi phạm pháp luật...
7. Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật gồm 7 chương, 54 điều, tập trung quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội như: Tổ chức chính quyền đô thị. Các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong các lĩnh vực cụ thể (như: quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quản lý không gian ngầm; cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển các khu công nghệ cao; thử nghiệm có kiểm soát; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...).
Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô (như: sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước, thẩm quyền đầu tư, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao, quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, thu hút nhà đầu tư chiến lược, ưu đãi đầu tư…). Các nội dung về liên kết, phát triển vùng...
8. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thể chế hóa các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; khắc phục những khó khăn, bất cập của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Luật gồm 9 chương, 152 điều, quy định một số nội dung cơ bản như: Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử (trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm).
Tiếp tục hoàn thiện quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Quy định Thẩm phán có 02 ngạch là ngạch Thẩm phán Tòa nhân dân tối cao và ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân; bậc của Thẩm phán Tòa án nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Mở rộng nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với luật sư, giảng viên đại học. Quy định về bảo vệ Thẩm phán, bảo vệ Tòa án. Quy định lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử. Quy định về xây dựng Tòa án điện tử;…
9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh vệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật gồm 2 điều, sửa đổi, bổ sung 15 điều thuộc 4 chương của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Đối tượng cảnh vệ; chế độ cảnh vệ; biện pháp cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ; quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội…
10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Luật gồm 3 điều, sửa đổi 44 điều, bãi bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều mới của Luật Đấu giá tài sản hiện hành, trong đó, quy định một số nội dung lớn như: Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 03 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, về đấu giá trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, tính khả thi, hiệu quả của việc đấu giá tài sản khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, hạn chế các tiêu cực phát sinh, nhất là đối với một số tài sản đặc thù. Tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản…
11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.
Luật gồm 5 điều, quy định theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), qua đó, góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành 03 luật và phát huy những ưu việt của chính sách, quy định tiến bộ trong các luật nêu trên; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…
Ý NHƯ (t/h)
Kiểm toán Nhà nước chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan điều tra