/ Tích hợp văn bản mới
/ Những điểm mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vừa được thông qua

Những điểm mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vừa được thông qua

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 09/12 tại Phiên họp thứ 51.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo đó, sau khi nghe trình bày báo cáo và xem xét các nội dung của dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) được thông qua với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân.

Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể chế rõ chủ trương ưu tiên chăm sóc, dành tối đa nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống người có công với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) được thông qua gồm 7 chương và 58 Điều.

Pháp lệnh này quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh sửa đổi đã bổ sung 3 chương, bỏ 1 chương và 3 điều, bổ sung 13 điều; có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, tiêu chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng người có công, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, về quản lý nhà nước, về tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý vi phạm.

Nhiều nội dung đã được pháp lệnh hóa như khái niệm tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định tại Khoản 4 Điều 4; khái niệm hành động dũng cảm; công việc cấp bách, nguy hiểm tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 4; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác tại Khoản 10 Điều 16; chế độ người có công giúp đỡ cách mạng tại Khoản 5 Điều 39; các điều về điều kiện, tiêu chuẩn người có công giúp đỡ cách mạng (Điều 8, 11, 14, 23, 29); về công trình ghi công liệt sĩ tại Chương III; về ngân sách nhà nước về bảo đảm nhiệm vụ chi; một số nội dung về quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.

Pháp lệnh quy định rõ đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Thứ hai, thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn người có công

Pháp lệnh quy định về điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: tại điểm a, b khoản 1 Điều 8; quy định điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 11.

Pháp lệnh cũng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sĩ tại điểm a, b, g, l và k Điều 14.

Về điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh:  sửa đổi, bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận tại điểm a, b, d, g, k khoản 1 Điều 23; bổ sung quy định loại trừ không xem xét công nhận là người có công tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 38.

Bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Điều 17. Theo đó, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh: Pháp lệnh không tiếp tục quy định xem xét công nhận bệnh binh mới. Chỉ công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân tại khoản 1 Điều 26.

Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục địa danh, Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học tại khoản 2 Điều 29.

HỒNG HẠNH

/cum-thi-dua-linh-vuc-phap-luat-va-ton-giao-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-thi-dua-nam-2020-va-phat-dong-giao-ket-thi-dua-nam-2021.html