Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, do sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng từ năm 2023 nên thủ tục làm căn cước công dân sẽ thay đổi.
Thay đổi trong thủ tục đi làm căn cước công dân gắn chip
Cụ thể, tại điểm b, c, khoản 1, Điều 5, Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định về thủ tục cấp căn cước công dân như sau:
b) Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
c) Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Theo Luật sư, thông thường trước đây, người dân đi làm căn cước công dân gắn chip phải mang theo sổ hộ khẩu để sử dụng chứng minh thông tin trong trường hợp thông tin công dân đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự điều chỉnh, thay đổi hoặc trường hợp thông tin chưa có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu chính thức bị bãi bỏ và hết giá trị sử dụng. Do đó, thay vì mang theo sổ hộ khẩu, người dân có thể mang theo các loại giấy tờ khác có giá trị chứng minh nhân thân, như Giấy khai sinh, Hộ chiếu… để sử dụng trong trường hợp nêu trên.
Dùng căn cước công dân gắn chip thay cho sổ hộ khẩu
Cũng từ năm 2023, căn cước công dân gắn chip sẽ chính thức được sử dụng thay cho sổ hộ khẩu trong một loạt các thủ tục hành chính theo Nghị định 104 của Chính phủ, như:
- Thủ tục mua bán điện sinh hoạt;
- Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi;
- Thủ tục xác định sử dụng đất ổn định, lâu dài để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Thủ tục vay vốn hỗ trợ việc làm;
- Thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp người thân đến nhận thẻ thay…
Căn cước công dân gắn chip với mã QR và chip được gắn trên thẻ lưu giữ đầy đủ các thông tin của công dân, bao gồm cả thông tin về cư trú. Do đó, thay vì phải cầm một cuốn Sổ đi làm thủ tục hành chính như trước đây, thì nay, người dân chỉ cần mang thẻ căn cước và xuất trình để thực hiện các thủ tục này.
Những trường hợp không đi làm căn cước công dân trong năm nay sẽ bị xử phạt
Những người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi
Điều 21, Luật Căn cước công dân nêu rõ:
1. Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, sang năm 2023, những người thuộc độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân là người sinh vào một trong các năm 1998, 1983 và 1963. Nhưng những người này chỉ phải đi đổi căn cước công dân trong năm 2023 nếu đang sử dụng thẻ được cấp từ trước năm 2021.
Còn nếu đã đổi thẻ căn cước công dân mới từ năm 2021 trở đi thì vẫn tiếp tục sử dụng thẻ này đến độ tuổi phải đổi thẻ tiếp theo.
Người đang dùng Chứng minh nhân dân từ năm 2008 trở về trước
Ngoài trường hợp trên, những người hiện nay đang sử dụng chứng minh nhân dân làm từ năm 2008 trở về trước cũng cần chú ý đi làm căn cước công dân ngay. Bởi lẽ, giấy Chứng minh nhân dân chỉ có giá trị sử dụng trong 15 năm kể từ ngày cấp theo quy định tại Điều 2, Nghị định 05 năm 1999.
Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6mm rộng 53,98mm, hai mặt chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Các trường hợp khác
Các trường hợp bắt buộc làm căn cước công dân theo Điều 23 của Luật căn cước công dân bao gồm:
- Thẻ căn cước công dân/giấy Chứng minh nhân dân đang sử dụng bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, đặc điểm nhận dạng;
- Xác định lại quê quán, giới tính;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân;
- Người dùng Chứng minh nhân dân thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bị mất thẻ căn cước công dân, mất giấy Chứng minh nhân dân;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Nếu thuộc các trường hợp nêu trên mà không đi làm căn cước công dân gắn chip sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 144 năm 2021.
Còn ngoài các trường hợp trên, việc đi làm căn cước công dân gắn chip là không bắt buộc. Tuy nhiên, người dân vẫn cần nhanh chóng đi làm căn cước để sử dụng tất cả các tiện ích mà loại giấy tờ tùy thân đầy ưu việt này mang lại, nhất là ở thời điểm sổ hộ khẩu đã chính thức chấm dứt vai trò.
HOÀNG TRẦN
Những điều cần lưu ý khi tố giác tội phạm trên ứng dụng VNeID