Ảnh minh họa.
Cụ thể, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là một trong những nội dung quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định.
Việc thống nhất kiểm định tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Giá trị được sử dụng trong toàn quốc, sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.
Điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là đổi mới về nội dung kiểm định theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh. Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức.
Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và bảo đảm sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kiểm định cũng là điểm mới đáng chú ý. Theo đó thí sinh có thể lựa chọn đăng ký tham dự kiểm định qua trang thông tin về kiểm định (nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng), việc tổ chức kiểm định trên máy vi tính, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan.
Ngoài ra, quy định công khai kết quả kiểm định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng tuyển dụng sát với vị trí việc làm. Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng.
Theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
HÀ ANH