/ Pháp luật - Đời sống
/ Những điểm mới về tập sự hành nghề Luật sư theo quy định mới

Những điểm mới về tập sự hành nghề Luật sư theo quy định mới

04/01/2022 03:45 |

(LSVN) - Ngày 10/12/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 25/01/2022) để thay thế Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013. Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Thông tư đã có một số điểm thay đổi đáng chú ý.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), qua một số năm triển khai thực hiện Thông tư số 19/2013/TT-BTP, chất lượng tập sự hành nghề Luật sư đã từng bước được nâng cao. Người tập sự được cập nhật kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng hành nghề Luật sư cũng như trau dồi Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, có môi trường thực tiễn để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Hoạt động giám sát tập sự hành nghề Luật sư đã cải thiện so với thời gian trước, sâu sát hơn, bài bản hơn, đặc biệt là công tác giám sát của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều trường hợp đăng ký tập sự ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác dẫn đến việc tập sự chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; việc tập sự hành nghề Luật sư ở một số nơi chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Vì lý do đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 25/01/2022) để thay thế Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013. Thông tư này đã được dự thảo và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2019. Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Thông tư mới có một số điểm đáng chú ý sau đây:

Đề cao hơn nữa trách nhiệm đối với việc quản lý tập sự hành nghề Luật sư

Từ chỗ chỉ có một điều ở Thông tư 19/2013/TT-BTP – đó là Điều 2 thuộc Chương 1, nay Thông tư 10/2021/TT-BTP dành hẳn Chương V với 5 điều (từ Điều 28 đến Điều 32) cho việc quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư và cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư đối với việc đăng ký – tiếp nhận – phân công Luật sư hướng dẫn – giám sát việc thực hiện – theo dõi, đánh giá tư cách đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật của người tập sự hành nghề Luật sư.

Trong đó, phân định rõ ràng trách nhiệm của: Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Sở Tư pháp; Bộ Tư pháp… với nhiều điểm mới và cụ thể hơn.

Riêng nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư có 8 nội dung công việc, so với 5 nội dung của Thông tư cũ. Với những điểm mới, như: Giám sát đi đôi với kiểm tra việc ban hành và thực hiện các quy định, quyết định liên quan đến việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; Giám sát kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư…; Về yêu cầu Hội đồng kiểm tra cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan kỳ kiểm tra…;  Về lập biên bản và đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm,…

Hoạt động kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư với những nội dung chi tiết và chặt chẽ hơn

Tuy từ 16 Điều ở Thông tư cũ chuyển thành 13 Điều ở Thông tư mới, nhưng những nội dung này cụ thể và chi tiết hơn. 

Quy định về người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư, từ chỗ chỉ có 2 khoản thuộc Điều 20 Thông tư cũ chuyển thành 5 khoản thuộc Điều 15 Thông tư mới. Trong đó có điểm đáng chú ý là: “Người không đạt yêu cầu trong 3 kỳ kiểm tra kết quả tập sự thì không được tham dự kiểm tra và phải đăng ký tập sự lại theo quy định…”. Điều này khác với quy định ở Thông tư cũ, dù trượt bao nhiêu lần kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư vẫn được đăng ký kiểm tra tiếp. Điều này rõ ràng là nhằm siết chặt hơn về tập sự, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra.

Về nội dung kiểm tra: So với 4 nội dung ở Điều 22 Thông tư cũ, thành 5 nội dung theo Điều 17 Thông tư mới. Đó là, người tập sự hành nghề Luật sư phải nắm vững các quy định pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư; cùng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Về kỹ năng hành nghề Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư phải nắm vững các kỹ năng: Nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc; Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; Kỹ năng tư vấn pháp luật; Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật và các kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác,…

Về hồ sơ tham dự kiểm tra: Thông tư cũ có 3 loại giấy tờ, Thông tư mới có 5 loại (Điều 18). Trong đó, ngoài 2 loại giống quy định ở Thông tư cũ (Bản sao Bằng Cử nhân luật hoặc bản sao Bằng Thạc sĩ luật), còn có 3 loại giấy tờ khác, đó là: Giấy đề nghị tham dự kiểm tra; Bản sao Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề Luật sư và Bản sao giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư.

Ngoài ra, Thông tư số 10/2021 còn có các điểm mới trong quy định: Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban giúp việc cho Hội đồng kiểm tra (Điều 21); Về chấm điểm kiểm tra (Điều 25)…

Đặc biệt, có 8 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư được cập nhật và bổ sung nhiều điểm mới, bao gồm: Giấy đề nghị Đăng ký tập sự hành nghề Luật sư; Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề Luật sư; Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề Luật sư; Giấy đề nghị tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; Sổ nhật ký tập sự; Báo cáo quá trình tập sự hành nghề Luật sư; Sổ theo dõi quá trình tập sự hành nghề Luật sư; Danh sách theo dõi tập sự hành nghề Luật sư.

Hy vọng rằng, với những quy định mới trong Thông tư số 10/2021 của Bộ Tư pháp sẽ góp phần hướng đến việc “Đảm bảo thanh lọc đội ngũ người tập sự, từ đó loại bỏ những trường hợp gian dối khi khai hồ sơ ra khỏi đội ngũ Luật sư, góp phần nâng cao chất lượng Luật sư, nâng cao tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt của Luật sư”.

Luật sư PHAN VĂN VĨNH

 Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh

Quy định thay đổi Luật sư hướng dẫn tập sự

Lê Minh Hoàng