/ Nhìn ra thế giới
/ Những 'điểm nóng' định hình chính sách Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Biden

Những 'điểm nóng' định hình chính sách Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Biden

30/01/2021 03:08 |

(LSVN) - Vấn đề Biển Đông, Đài Loan và mối quan hệ với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là những điểm mấu chốt trong việc hình thành chiến lược đối phó Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng các máy bay Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong thời gian ngắn kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc đã có các động thái như: điều hơn 20 máy bay quân sự tới khu vực gần đảo Đài Loan, đồng thời thông qua luật hải cảnh cho phép nổ súng vào tàu nước ngoài. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng điều nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái này có thể chỉ là sự khởi đầu cho mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa chính quyền mới ở Mỹ với Trung Quốc.

“Trung Quốc thường sử dụng một loạt các phép thử để thăm dò ý định hoặc khả năng sẵn sàng đáp trả của đối phương đối với các hành động của nước này”, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo phối hợp Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết.

Theo ông Schuster, các bước đi tiếp theo từ Bắc Kinh có thể bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần Đài Loan hoặc ở Biển Đông, hoặc chặn tàu thuyền nước ngoài theo luật hải cảnhcủa nước này. Bắc Kinh sẽ tìm cách xác định xem đâu là “lằn ranh đỏ” của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, các bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Biden đã tuyên bố rõ ràng về lập trường của Mỹ trước những tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Tôi nghĩ Trung Quốc là thách thức lớn nhất và đáng kể nhất của chúng ta”, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tuần trước.

Ông Austin nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung vào việc gửi thông điệp đến Trung Quốc hoặc bất cứ đối thủ nào khác rằng, thách thức quân đội Mỹ sẽ là “ý tưởng rất tồi tệ”.

Vấn đề Biển Đông, Đài Loan và mối quan hệ với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là những điểm mấu chốt trong việc hình thành nên chiến lược đối phó Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden.

Vấn đề Biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu khắp Biển Đông. Từ năm 2014, nước này đã cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và triển khai bất hợp pháp tên lửa, máy bay cùng nhiều loại vũ khí khác trong vùng biển có tranh chấp với các nước trong khu vực.

Phản đối các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến và máy bay quân sự tới khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực bao gồm hoạt động tự do hàng hải, trong đó tàu Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Theo Hạm đội 7, Hải quân Mỹ thực hiện 10 chuyến đi như vậy trong năm 2020 dưới thời chính quyền Donald Trump, bằng với năm 2019,

Cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông còn được thể hiện bằng việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực.

Động thái này diễn ra sau các diễn biến căng thẳng trong năm 2020, trong đó có quyết định hiếm hoi của Mỹ triển khai cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận ở Biển Đông.

Mỹ cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác ở Biển Đông.

Trung Quốc cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và coi các chuyến tuần tra trên biển của Mỹ chẳng khác nào việc can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này.

Các nhà phân tích cảnh báo việc cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng hoạt động ở Biển Đông sẽ làm tăng khả năng xảy ra đối đầu ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ trong khu vực nhiều khả năng sẽ không thay đổi. Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden đã nhắc lại rằng, thời làm Phó Tổng thống Mỹ ông đã từng nói với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về cách thức quân đội Mỹ đối phó với các vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.

“Tôi đã nói rằng chúng ta sẽ bay qua khu vực đó. Chúng tôi sẽ không quan tâm [tới ADIZ]”, ông Biden cho biết.

Đài Loan và Eo biển Đài Loan

Vấn đề Đài Loan tiếp tục “nóng” lên trong căng thẳng Mỹ-Trung cuối tuần trước khi Bắc Kinh điều hơn 20 máy bay quân sự tới khu vực ADIZ của Đài Loan trong vòng 48 giờ.

Trong số những máy bay này chủ yếu là máy bay chiến đấu và máy bay ném bom – có vẻ như nhằm ý định gửi thông điệp tới chính quyền mới ở Washington.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

Theo Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, năm 2020, tàu chiến Mỹ 13 lần di chuyển qua eo biển Đài Loan. Năm 2016 - năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama (ông Biden là Phó Tổng thống), con số này là 12.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã thông qua các thương vụ bán vũ khí, trong đó có tiêm kích F-16, tên lửa tiên tiến và xe tăng chiến đấu chủ lực, đồng thời cử một số phái viên cấp cao tới hòn đảo này.

Các tuyên bố gần đây từ chính quyền mới của Mỹ cho thấy, sẽ không có nhiều thay đổi trong vấn đề này so với chính quyền tiền nhiệm.

Nhật Bản cùng hệ thống đồng minh và đối tác

Liên minh Mỹ với Nhật Bản được cho là quan trọng nhất. Yokosuka, gần Tokyo, là trụ sở Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ - lực lượng tiến hành các chuyến tuần tra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, đảo Okinawa có căn cứ không quân Kadena, nơi triển khai các lực lượng chiến đấu Mỹ, trong đó có tiêm kích F-15 và máy bay săn ngầm P-8A.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thường xuyên tham gia các cuộc huấn luyện với các đối tác Mỹ. Các cuộc huấn luyện năm 2020 tập trung vào hoạt động bảo vệ một số hòn đảo xa xôi của Nhật Bản, đặc biệt là Senkaku, chuỗi đảo không có người ở cách Tokyo 1.900km mà Nhật Bản quản lý từ năm 1972 nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 27/01, Tổng thống Biden khẳng định cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo Hiệp ước phòng vệ Mỹ-Nhật.

Giống như Nhật Bản, Mỹ cũng có hiệp ước phòng vệ song phương với Philippines, điều mà Ngoại trưởng Blinken đã tái khẳng định trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines hôm 27/01.

Việc Nhật Bản và Philippines cùng phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc trong khi cả 2 đều có quan hệ đồng minh với Mỹ đã phác họa ra mạng lưới đồng minh và đối tác mà Mỹ thiết lập xung quanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Sự nổi lên của Trung Quốc và các tác động đối với trật tự khu vực đã đẩy 2 đồng minh của Mỹ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”, nhà phân tích Richard Javad Heydrian viết trong Sáng kiến Minh bạch hàng hải Châu Á năm 2019.

Các lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận chung. Philippines năm ngoái trở thành khách hàng xuất khẩu quân sự lớn đầu tiên của Nhật Bản, ký kết thỏa thuận mua hệ thống radar giám sát tiên tiến.

Các nhà phân tích dự đoán, năm 2021, chính quyền Biden sẽ vẫn thiên về hệ thống đồng minh này.

“Ông Trump đã hành động và quyết định nhanh chóng, rồi sau đó mới tìm kiếm đối tác. Ông Biden sẽ tìm đối tác trước, rồi mới hành động”, ông Schuster cho biết.

Kurt Campbell, người sẽ trở thành điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong Hội đồng an ninh quốc gia trong chính quyền Biden, đầu tháng này cũng nhấn mạnh, Mỹ cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực, trong đó bao gồm cả việc phân tán bớt các lực lượng Mỹ khỏi các căn cứ lớn ở Nhật Bản và Guam tới các cơ sở nhỏ hơn ở các nước đối tác ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.

Sự trợ giúp cho hệ thống đối tác do Mỹ-Nhật dẫn đầu có thể đến từ các đồng minh châu Âu.

Anh cho biết nước này sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực trong năm nay. Pháp dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận đổ bộ Mỹ-Nhật trong năm 2021.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer nói rằng nước này sẽ điều tàu khu trục tuần tra Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thời gian tới.

HOÀNG PHẠM/VOV

Trung Quốc chính thức không công nhận hộ chiếu Anh cấp cho Hong Kong

Lê Minh Hoàng