LSVNO - Đình Chèm được cho là có lịch sử lâu đời vào hạng nhất của nước ta. Sử sách ghi cũng như truyền thuyết truyền lại cho biết Đình Chèm thuộc làng Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Nơi đây thờ Đức Thánh Huy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm).
Nghi môn Đình Chèm.
Ông sinh vào thời vua Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương (khoảng năm 260 TCN), là người trí dũng song toàn, cao lớn lạ thường, tính tình hiếu nghĩa, cương trực được Hùng Duệ Vương tin dùng, phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội Văn Lang. Sau khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho An Dương Vương, ông cũng được trọng dụng, lúc này nhà Tần vừa thống nhất Trung Quốc do Tần Thủy Hoàng làm hoàng đế sai quân sang xâm chiếm nước ta. Ông cùng các tướng phò tá An Dương Vương đánh tan đội quân nhà Tần rất mạnh. Để giữ hòa hiếu với lân bang, An Dương Vương cử ông đi sứ sang Tần thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Ngày ấy, Trung Quốc luôn bị quân Hung Nô ở phía bắc uy hiếp, biết được uy danh của Lý Ông Trọng, Tần Thủy Hoàng vời ông làm tướng, phong làm Tư lệ hiệu úy, thống lĩnh quân đội trấn giữ biên giới, quân Hung Nô kinh hồn bạt vía không giám xâm phạm nhà Tần. Tần Thủy Hoàng cảm phục, phong chức Phụ tín hầu và gả con gái là Bạch Tĩnh Cung cho ông.
Sau khi trở về nước, ông được nhà vua phong tước Đại Vương, tiếp tục lập được nhiều công lớn. Tới khi ông mất triều đinh sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần hiệu là Huy Khang Thiên Vương, nhân dân tôn xưng là Đức Thánh Chèm và lập đình thờ ở làng Chèm.
Thân thế và sự nghiệp của của Đức Thánh Chèm mang màu sắc huyền bí, phần vì trải qua nghìn năm Bắc thuộc sử sách nước ta ở thời đó không còn, những ghi chép về ông hoàn toàn là do đời sau biên soạn, phần vì sự hiển linh của ông mang tính huyền thoại và được truyền miệng trong dân gian. Truyền thuyết truyền rằng ông cao hai trượng ba thước (khoảng 7,7 mét), khi ông trở về nước, quân Hung Nô lại kéo quân uy hiếp nhà Tần, do không vời được ông sang giúp nên vua Tần cho tạc pho tượng bằng đồng rất lớn, có người ở trong điều khiển cử động tay chân như người thật đặt trên cổng thành khiến quân Hung Nô nhầm tưởng ông lại sang Tần, khiếp hãi mà tự tan rã.
Uy vũ đến bực vậy cũng là xưa nay hiếm, đến khi mất đi ông cũng thường hiển linh giúp nước, cứu dân. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông cũng báo mộng cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào đất Lam Sơn, phò tá giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan quân giặc.
Dù cho lịch sử ghi và truyền thuyết truyền lại có như thế nào chăng nữa thì cũng khẳng định được rằng Lý Ông Trọng là có thật, nhân dân cảm phục, hàm ân công đức của ông là có thật. Việc lập đình thờ ông tại quê hương, ngàn năm tu bổ, thờ cúng cho thấy rõ điều đó. Khi ông mất, dân làng chọn khu đất địa linh xây đình thờ nhỏ để tưởng nhớ, đình được xây dựng tại bãi đất rộng, cổng đình hướng về phía sông Hồng. Trải qua ngàn năm ngôi đình là nơi linh thiêng, được nhân dân thờ phụng, tu bổ, dọn lễ dâng tế. Đến năm 864, thời kỳ Bắc thuộc, Cao Biền được cử sang làm An Nam đô hộ có loạn ở Tây Nam, Cao Biền được ông hiển linh báo mộng ban việc trị bình nên rất cảm phục bèn cho sửa lại đình lớn hơn quy mô cũ, tạc gỗ làm tượng, sơn son thiếp vàng gọi là đình Lý Hiệu Úy và cho người cúng tế hàng năm. Cũng theo lời người dân kể lại, tới thời Lê Trung Hưng (giai đoạn 1533-1789) đình được đại trùng tu, xây dựng bề thế như ngày hôm nay nhưng không có sử sách ghi lại xem có giữ nguyên kiến trúc như thời Cao Biền xây dựng hay không.
Trước đây, Đình Chèm nằm ở phía trong đê sông Hồng nhưng cách đây hơn 200 năm có sự kiện vỡ đê Chèm nên nhân dân cho đắp lại đê như ngày nay và Đình Chèm nằm ở ngoài đê. Vì ở ngoài đê nên vào những năm nước sông lên cao đình bị ngập, ảnh hưởng tới sự vững bền của đình. Không yên lòng với việc đó dân ba làng Chèm, Hoàng Xá, Liên Xá bàn nhau góp công góp của tổ chức nâng đình lên cao mà kính cẩn gọi là Kiệu đình. Đây là công việc kỳ công, thể hiện sự thông minh, khéo léo của người Việt. Thời điểm Kiệu đình cách đây đã hơn trăm năm (năm 1916), thời đó các kỹ thuật, công cụ dụng cụ để thực hiện công việc còn rất thủ công, thô sơ. Không những vậy, đình được xây dựng cách đó cũng vài trăm năm nên không có móng liền khối, mỗi cột gỗ (là gỗ đinh) chống mái đình được dựng trên một khối đá riêng biệt. Kỹ thuật Kiệu đình được thực hiện thế này. Đầu tiên người ta đặt các thanh giằng giữa các cột gỗ, dùng đinh đóng thuyền (đinh gỗ) đóng xuyên qua để cố định cột với thanh giằng, mục đích là tạo khối chân đế vững chắc cho các cột. Đình có 3 khối nhà riêng biệt tính từ ngoài vào là Nghi môn, Đình, Cung, có tất thảy hơn 100 cột gỗ. Tiếp đến là sử dụng đòn bẩy, tại mỗi chân cột gỗ được bố trí một đội thợ cầm sẵn đòn bẩy, theo tiếng gõ lệnh tất cả các đòn bẩy cùng được bẩy lên một lúc. Cũng cùng lúc đó, tại mỗi chân cột bố trí 1 người thợ đưa viên gạch Bát Tràng vào khe hở vừa được tạo ra. Công việc cứ phối hợp nhịp nhàng như vậy cho tới khi các cột được đưa lên chiều cao định trước. Kỳ công này được thực hiện trong khoảng thời gian gần 1 năm, chiều cao đình được Kiệu lên là 2,4m, một sự sáng tạo và nhẫn nại đáng khâm phục.
Phía trong Đình Chèm.
Đình Chèm còn được gọi khác là Đền Chèm, trong tín ngưỡng dân gian phân biệt rõ và nhiều người cũng biết Đình là nơi thờ Thành hoàng làng và Đền là nơi thờ Thánh. Nơi thờ Đức Thánh Chèm phải gọi đúng là Đền Chèm, cớ sao tên Đình Chèm được dùng nhiều hơn, ngay cả trong cuốn thư giới thiệu đặt ngoài Nghi môn cũng ghi đây là Đình Chèm?.
Ông thủ từ Lê Văn Hiệu, năm nay 70 tuổi cho biết ông cũng chỉ lý giải được một phần. Đình thờ Đức Thánh Huy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng và vợ ông là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung nhưng trong đình còn có hai ban thờ khác, một ban thờ ông Nguyễn Văn Chất, tương truyền là một người thầy thuốc, một người thân cận của Lý Ông Trọng, ông Nguyễn Văn Chất cũng chính là Thành hoàng làng Hoàng Xá. Một ban thờ nữa thờ Thành hoàng làng Chèm là Phu Chiêu Linh Ứng Đại Vương, trước đây ông được thờ tại Đình trong, phía trong làng Chèm nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó bài vị của ông được chuyển ra Đình Chèm, ngôi Đình trong giờ cũng không còn nữa. Có lẽ vì lý do có đến 2 vị Thành hoàng làng trong đó mà dân gian thường hay sử dụng cả hai tên gọi đó chăng?. Sau khi Kiệu đình thành công, dân làng mời Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng viết văn bia cho đình, tiêu đề trên bia được dịch ra là Bia đình Thụy Phương nhưng trong nội dung có tới 23, 24 từ dùng từ đền, tấm bia hơn 100 tuổi vẫn còn cho đến ngày nay.
Lại nói lại việc năm 864 Cao Biền cho sửa lại đình lớn hơn quy mô cũ, cho tạc tượng Đức Thánh Huy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng và bà Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung để cúng tế. Sau nhiều lần trùng tu, hai pho tượng đó đã được hóa (chôn cất) dưới đất phía sau Cung và thay thế bằng 10 pho tượng bằng gỗ trầm hương là tượng ông Lý Ông Trọng, bà Bạch Tĩnh Cung, 6 người con của ông bà và 2 nàng hầu. Hiện nay, cứ mỗi ngày sóc vọng tức ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng đình có mở cửa để nhân dân chiêm bái.
Cao Biền được cử sang làm An Nam đô hộ trong thời kỳ Bắc thuộc, lúc đó có loạn ở Tây Nam, do sử sách không ghi lại nên không biết đó là loạn gì, giặc giã quấy nhiễu dân chúng hay kháng chiến chống lại ách đô hộ. Cao Biền được Đức Thánh Chèm hiển linh báo mộng ban việc trị bình nên rất cảm phục. Chuyện này vẫn mang màu sắc huyền bí, với bọn giặc giã nhiễu hại dân chúng, hiển nhiên Đức Thánh ban cho Cao Biền cách tiễu trừ, giúp ích muôn dân. Nhưng với quân kháng chiến, hẳn Đức Thánh thấy rằng thời cơ chưa tới, thế giặc đang mạnh, dân ta còn yếu, vận nước chưa tới thời độc lập, hưng thịnh và Ngài thấy nhẫn nại giữ hòa bình là phương cách tốt nhất để nuôi dưỡng ý chí độc lập tự cường. Sau đó chưa đầy trăm năm, năm 938, người con ưu tú của đất Việt Ngô Quyền với trận chiến Bạch Đằng lịch sử đã đánh tan đạo quân xâm lược Nam Hán do Hoàng Thao chỉ huy sang xâm chiếm nước ta, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kỳ độc lập ổn định của dân tộc. Nếu quả như vậy thì đây là sự nhẫn của một bậc Thánh.
Lê Hùng