Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, có 3 đối tượng được tiêm gồm:
- Người từ 50 tuổi trở lên;
- Người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng;
- Người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).
Trong đó, nhóm người từ 50 tuổi trở lên dự kiến gần 1,9 triệu người (cập nhật đến ngày 13/5/2022).
TP. Hồ Chí Minh dự kiến bắt đầu tiêm mũi 4 ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn tiêm chủng thì triển khai. Loại vaccine được sử dụng là vaccine mRNA (vaccine do Hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do AstraZeneca sản xuất, vaccine cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).
Khoảng cách tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi 3; riêng người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc bệnh. Việc tổ chức tiêm mũi 4 phải đảm bảo an toàn, chất lượng và đảm bảo đúng tiến độ theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với người lao động đang làm việc hoặc đang điều trị nội trú tại đơn vị sẽ được tổ chức tiêm tại bệnh viện; các trường hợp di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được hỗ trợ tiêm tại nhà; thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cũng tổ chức các điểm tiêm lưu động trên từng địa bàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm lập danh sách người đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 mũi 4; dự trù số lượng vaccine cần sử dụng; thực hiện tiếp nhận nguồn vaccine từ Bộ Y tế và bảo quản đúng quy định, yêu cầu chuyên môn để tổ chức tiêm an toàn, chất lượng, đúng tiến độ.
VĂN QUANG
Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm người nghi nhiễm Covid-19 trong bệnh viện