Theo Thông tư 11/2016/TT-BCA, Thông tư 48/2019/TT-BCA, để làm thủ tục cấp Căn cước công dân, người dân cần đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an cấp huyện. Khi đi, người dân cần mang theo Sổ hộ khẩu. Khi đến làm thủ tục, sẽ được cấp Tờ khai Căn cước công dân, người dân tiến hành điền thông tin vào Tờ khai.
Nếu đổi Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số hoặc Căn cước công dân mã vạch sang Căn cước công dân gắn chip (nếu không thuộc trường hợp bị mất), thì cần mang theo Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũ để cán bộ cắt góc; riêng Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc thì sẽ được thu và hủy.
Cuối tháng 02/2021 vừa qua, Bộ Công an đã chính thức bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân. Đây được coi là sự kiện đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.
Được biết, hiện nay, các thông tin cá nhân của công dân đang được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cũ. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu này vẫn chưa hoàn thiện, do vậy để chắc chắn thì người dân vẫn cần mang theo Sổ hộ khẩu và CMND/Căn cước công dẫn cũ.
Trong tương lai không xa, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động ổn định và đầy đủ dữ liệu thì người dân khi đi làm căn cước công dân gắn chip sẽ không còn phải mang sổ hộ khẩu cũng như chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũ.
Thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp đầy đủ các trường thông tin cá nhân nên khi đi giao dịch, làm các thủ tục mọi người không phải mang nhiều loại giấy tờ. Thẻ có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và loại thẻ này phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống; tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. |
VŨ THỦY
Hộ khẩu tỉnh khác có được làm căn cước công dân tại Hà Nội không?