/ Dọc đường tố tụng
/ Những góc khuất trong vụ kiện hủy kết quả trúng tuyển viên chức tại Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Những góc khuất trong vụ kiện hủy kết quả trúng tuyển viên chức tại Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

21/05/2021 16:24 |

(LSVN) - Mới đây, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã mở phiên tòa xét xử vụ án lao động giữa nguyên đơn là bà Đ. H. T. với bị đơn là Học Viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bà Đ. H. T. không chấp nhận yêu cầu “Hủy Quyết định số 173 ngày 15/5/2020 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về hủy kết quả trúng tuyển và Quyết định số 174 ngày 15/5/2020 về việc hủy hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với bà. Vậy, kết quả phiên tòa này đã thực sự đảm bảo công bằng và công lý?.

Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. 

Là người đang làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2016 tại Trường Quản lý Khoa học công nghệ (một trong những đơn vị sáp nhập thành Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo), bà Đ. H. T đã đăng ký tham gia kỳ xét tuyển viên chức với vị trí nghiên cứu viên và giảng viên theo Thông báo tuyển dụng viên chức số 576 ngày 16/9/2019. Sau hai vòng xét tuyển, ngày 09/12/2019, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ban hành Quyết định số 685 “về việc công nhận điểm kiểm tra, sát hạch và phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức năm 2019 đối với bà Đ. H. T…”. Ngày 17/12/2018, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã ký Hợp đồng làm việc xác định thời hạn số 29 với bà Đ. H. T (thời điểm này bà T. chính thức trở thành viên chức tập sự).

Vậy nhưng, ngày 15/5/2020, bà T. nhận được Quyết định số 173 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về việc “Hủy kết quả tuyển dụng viên chức năm 2019…” và Quyết định 174 về việc “Hủy Hợp đồng làm việc có thời hạn 1 năm đối với bà…”, vì lý do “Hồ sơ tuyển dụng bổ sung của thí sinh sau khi rà soát theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung về tuyển dụng công chức, viên chức… không đáp ứng được yêu cầu vị trí tuyển dụng tại Thông báo số 576 ngày 16/9/2019 của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (bà T. chưa có bằng thạc sĩ mà chỉ có Giấy xác nhận đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ)... Sau nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng  không được giải quyết thỏa đáng, bà T. làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, yêu cầu Tòa tuyên hủy Quyết định số 173, 174 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đối với bà.

Trong đơn cũng như tại Tòa, bà T. khẳng định hồ sơ đăng ký thi và kết quả trúng tuyển viên chức của bà là đúng theo quy định của pháp luật và yêu cầu tuyển dụng của đơn vị. Việc hơn 5 tháng sau khi đã công nhận trúng tuyển và đã ký Hợp đồng làm viêc với thời hạn 1 năm, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ban hành Quyết định hủy kết quả trúng tuyển viên chức, hủy Hợp đồng làm việc với bà mà không thông báo trước là trái Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Mạnh Tiến, quyền Chánh văn phòng Học viện (đại diện cho bị đơn) và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, trình bày: Quyết định 173 về hủy kết quả trúng tuyển viên chức đối với bà T. là có căn cứ, phù hợp với quy định hiện hành bởi các lý do:

Tại Thông báo tuyển dụng viên chức 576 ngày 16/9/2019 Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đưa ra ngày 16/10/2019 yêu cầu các ứng cử viên phải hoàn thiện hồ sơ, nhưng thời điểm này, bà T. chưa có bằng thạc sĩ (dù bà  đã có giấy xác nhận ngày 16/10/2019 của Học viện Khoa học Xã hội có nội dung “đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ…”. Mặt khác, ngày 08/9/2020, Học viện Khoa học xã hội đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp ngày 16/10/2019 cho bà T. nên giấy xác nhận mà cơ sở đào tạo cấp không còn giá trị pháp lý… Tương tự như vậy, Quyết định 174 ngày 15/5/2020 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về hủy hợp đồng làm việc có thời hạn với bà T. là hợp lý vì hợp đồng làm việc này được ký kết trên cơ sở kết quả trúng tuyển viên chức, nhưng  kết quả trúng tuyển của bà T. đã bị hủy. Trước khi ban hành quyết định hủy hợp đồng làm việc với bà T., ngày 05/3/2020, Văn phòng Học viện có buổi làm việc với bà T. để thông báo nội dung về hủy kết quả tuyển dụng viên chức đối với bà, tức bà T. đã tiếp nhận được thông tin về việc hủy Hợp đồng làm việc.

Trên cơ sở trình bày này của đại diện phía bị đơn, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm nhận định và tuyên Quyết định số 173 và 174 ngày 15/5/2020 của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về hủy kết quả trúng tuyển  viên chức và hủy hợp đồng làm việc đối với bà T. là phù hợp quy định pháp luật, bác yêu cầu khởi kiện của bà T. 

Tuy nhiên, kết quả của phiên tòa sơ thẩm như vậy là chưa thấu tình, đạt lý, chưa đánh giá đầy đủ các chứng cứ tài liệu, và là sự áp dụng pháp luật về tuyển dụng viên chức không chuẩn xác.

Việc Hội đồng xét xử áp dụng Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012, Luật Viên chức năm 2010 về tuyển dụng viên chức nhưng lại đồng ý với quan điểm của Học viện về vấn đề ngày ghi trên bằng thạc sĩ của bà T. là ngày 11/11/2019, sau ngày Học viện tự đặt ra việc phải nộp hồ sơ là ngày 16/10/2019 để làm căn cứ hủy kết quả trúng tuyển đối với bà T. là sự áp dụng pháp luật không đúng. Bởi, Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 15 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì thành phần tham gia dự tuyển chỉ còn bản đăng ký dự tuyển và các bằng cấp chỉ phải nộp sau khi trúng tuyển. Trong khi đó, tại phiếu đăng ký dự tuyển bà T. đã kê khai ngày 16/10/2019 giấy chứng nhận chờ cấp bằng thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội… Trên thực tế, ngày 14/10/2019, bà T. đã bảo về thành công luận văn thạc sĩ, ngày 11/11/2019 bà đã có bằng thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ trước cả xét tuyển vòng 1 và vòng 2.  Ngày 14/11/2019, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới có Quyết định số 585/QĐ-HĐTD phê duyệt đủ điều kiện, tiêu chuẩn có họ tên bà T. với trích ngang bằng cấp đầy đủ. Ngày 09/12/2019, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có Thông báo số 796/TB-HVKHCN bà T. trúng tuyển và yêu cầu chậm nhất là ngày 16/12/2019 nộp đầy đủ các hồ sơ để xem xét ký hợp đồng làm việc. Như vậy, việc hoàn thiện hồ sơ chỉ phải diễn ra sau khi trúng tuyển theo qui định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Ở đây, bà T. đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ ngay cả trước và sau khi trúng tuyển, bà T. có thể bị hủy kết quả trúng tuyển khi đến ngày 16/12/2019 bà không hoàn thiện hồ sơ, nhưng Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm lại lấy ngày 16/10/2019 (mốc thời gian do Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đặt ra, đây là mốc thời gian đơn vị tuyển dụng đặt ra trái với quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng công chức, viên chức…).

Điều này có nghĩa Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã dựa vào một quy định sai trái để làm căn cứ bảo vệ cho một Quyết định không đúng khác của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (đó là chưa bàn tới việc vì sao những lắt léo khó hiểu trong việc yêu cầu bà T. xin giấy xác nhận ở cơ sở đào tạo đến 4 lần với những nội dung được hướng dẫn sẵn…).

Tương tự như vậy, việc Tòa sơ thẩm cho rằng kết quả trúng tuyển viên chức của bà T. đã bị hủy và biên bản làm việc giữa đại diện các phòng, ban với bà T. vào ngày 05/3/2020 để công nhận tính có căn cứ của Quyết định 174 về việc hủy hợp đồng làm việc có thời hạn với bà T. của Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là nhận định và phán quyết sai lầm nghiêm trọng. Bởi, hợp hợp đồng làm việc có thời hạn được ký giữa bà T. với Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là kết quả của việc bà T. trúng tuyển viên chức, thời điểm này bà T. là viên chức tập sự, trong khi theo quy định tại khoản 1, Điều 24 Nghị định 29/2012/NĐ-CP: “Người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên”. Ở đây, bà T. không vi phạm vào điều này, mà nếu có thì phải thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý với một hình thức kỷ luật nào đó thì mới có căn cứ hủy kết quả trúng tuyển để hủy hợp đồng làm việc tập sự…

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, Quyết định 174 về hủy hợp đồng làm việc có thời hạn với bà T. thực chất là trường hợp viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trái pháp luật. Khi giải quyết tranh chấp này phải áp dụng quy định quản lý viên chức của Nhà nước. Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã vi phạm về căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng, vi phạm về việc không ra thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Còn việc Hội đồng xét xử coi biên bản làm việc ngày 05/3/2020 giữa các phòng ban của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với bà T. để nhận định bà đã tiếp nhận được thông tin về vấn đề này là tùy tiện, hiểu sai về các loại hình văn bản hành chính (xin lưu ý, nội dung buổi làm việc ngày 05/3/2020 không có thông tin nào về việc hủy hợp đồng làm việc, mà chỉ là rà soát hồ sơ dự tuyển trong đó có chứa đựng thông tin về việc sẽ hủy bỏ kết quả trúng tuyển).

Có thể nói rằng, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không thể căn cứ vào quy định nội bộ bất hợp pháp của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để ra quyết định xét xử không khách quan, không đúng pháp luật. Điều này có thể trở thành tiền lệ xấu cho những người lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập đang hưởng ngân sách nhà nước có thể tùy tiện trong tuyển dụng, sa thải viên chức vì động cơ cá nhân.

Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm, bà T. đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án của Tòa án nhân dân quận Hoàn kiếm đề nghị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm. Hy vọng, trong phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ có một phán quyết công bằng hợp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

PV

Lê Minh Hoàng