/ Tin nổi bật
/ Những khuyến cáo quan trọng khi tiêm vaccine Covid-19

Những khuyến cáo quan trọng khi tiêm vaccine Covid-19

21/03/2021 08:44 |

(LSVN) - Sau khi tiêm vaccine Covid-19, người tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại điểm tiêm. Người được tiêm cũng cần chú ý đến những thay đổi bất thường trong cơ thể của mình như nổi mề đay, ngứa, hay tức ngực, khó thở…. Và cần thông báo ngay với nhân viên y tế về những vấn đề mà mình đang gặp phải.

Ảnh minh họa. 

Thông tin với báo chí, Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết, với một loại vaccine dùng công nghệ mới nhất những gì xảy ra trong cơ thể người sau khi tiêm chủng vẫn còn chưa được hiểu biết một cách toàn diện. Đặc biệt là khi công nghệ mới này cho đáp ứng miễn dịch rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Việc cẩn trọng đầu tiên chính là giới hạn nhóm chỉ định tiêm nhằm loại bỏ những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên và những người có cơ địa dị ứng. Có bốn nhóm đối tượng được xác định trong quá trình khám phân loại này bao gồm:

- Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng: Là những người trên 18 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần của vaccine.

- Đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng: Là những đối tượng hiện mắc bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có dùng chế phẩm miễn dịch trong vòng 90 ngày hoặc đã bị Covid-19 trong vòng 6 tháng. Những người có tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước cũng nằm trong nhóm này. Giai đoạn này cần thận trọng nên nhóm phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu cũng cần tạm hoãn.

- Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Là những người có tiền sử dị ứng,  người có bệnh lý nền hoặc bệnh mạn tính cần giám sát sức khỏe, người mất tri giác và mất năng lực hành vi. Người có bệnh mạn tính kèm thêm bất thường dấu hiệu sống.

- Và đối tượng chống chỉ định: Là người có phản ứng mạnh với liều tiêm trước, phản ứng với các thành phần có trong vaccine hoặc dị ứng mạnh với nhiều loại tác nhân khác nhau.

Sẽ không thể phân loại được các nhóm đối tượng như trên nếu như công tác khám sàng lọc không được làm chặt chẽ và cẩn trọng. Với phần lớn các trường hợp, việc hỏi tiền sử cũng như đánh giá tình trạng hiện tại sẽ giúp phát hiện những trường hợp bất thường cần lưu ý trước khi quyết định tiêm chủng.

Thông qua việc hỏi đã có thể ghi nhận tình trạng các bệnh cấp tính đang mắc phải, đặc biệt là những dấu hiệu có thể nghi ngờ Covid-19. Tiền sử dị ứng thì cần khai thác tỉ mỉ hơn mới có thể xác định được. Tiền sử dị ứng có thể liên quan đến các thành viên khác trong gia đình (bố, mẹ, con, anh chị em ruột…) và các loại dị nguyên  gây dị ứng như côn trùng, thực phẩm, phấn hoa, bụi nhà, hóa chất, mỹ phẩm… đặc biệt là tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine, tiền sử dị ứng nặng, bao gồm phản vệ cần phải được liệt kê.

Bên cạnh đó, tiền sử tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày qua mà quan trọng là các vaccine phòng Covid-19 không thay thế được cho nhau nên cần khai thác chính xác loại vaccine và thời gian đã tiêm vaccine Covid-19 của các đối tượng đến tiêm lần thứ 2.

Ngoài ra, tiền sử bệnh lý và điều trị cũng cần được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng như tiền sử mắc Covid-19 hoặc điều trị huyết tương từ người đã được điều trị khỏi Covid-19, tiền sử bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ung thư, đang dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch, tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hay đối với phụ nữ cần hõi rõ thông tin có thai, tình trạng thai kỳ hiện tại, hoặc có đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Sau đó, việc khám cần thực hiện đúng theo trình tự.

Phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống:

- Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm.

- Đếm nhịp thở và/hoặc SpO2 (nếu có) ở những người có bệnh nền hô hấp.

Quan sát toàn trạng:

- Đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.

Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng và không có các yếu tố phải trì hoãn hoặc thận trọng.

Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.

Chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có các yếu tố thận trọng.

Không tiêm đối với những trường hợp có chống chỉ định tiêm chủng.

Theo dõi sau tiêm chủng

Các đối tượng sau khi tiêm cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, và việc theo dõi này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế. Đối tượng được tiêm cũng cần chú ý đến những thay đổi bất thường trong cơ thể của mình như nổi mày đay, ngứa, hay tức ngực, khó thở…. Và cần thông báo ngay với nhân viên y tế về những vấn đề mà mình đang gặp phải. Sau đó, cán bộ y tế hướng dẫn đối tượng tiêm chủng cách theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày sau khi tiêm và đối tượng được tiêm cần phải thực hiện nghiêm túc và thông báo ngay đến cơ sở y tế khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Các triệu chứng này sẽ được hệ thống y tế ghi nhận, báo cáo và theo dõi và xử trí theo phác đồ quy định.

Trong phần lớn các trường hợp, người đi tiêm chỉ gặp chút khó chịu trong ngày đầu sau tiêm, dấu hiệu tại chỗ như đau, sưng hay toàn thân như cảm giác gai rét, sốt, chóng mặt sẽ qua nhanh. Do đó, những dấu hiệu này thường không được ghi nhận. Tuy nhiên, ngay cả một số trường hợp sốt cao phải dùng thuốc mới hạ sốt cũng đôi khi bị bỏ qua và không báo lại cho đơn vị tiêm chủng gây ước lượng sai về mức độ các phản ứng thông thường sau tiêm. Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm chủng cần thông báo lại toàn bộ những phản ứng thông thường để giúp cơ quan quản lý có những đánh giá đúng về vaccine.

Như vậy, an toàn trong tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được thực hiện nếu các quy định trong công tác triển khai tiêm chủng, đặc biệt là những thay đổi trong công tác khám sàng lọc được cập nhật và phải triển khai một cách nghiêm túc.

Trước tình hình một số người được tiêm phản ứng hơi quá do lo sợ tiêm chủng, việc theo dõi những phản ứng cần kèm theo tư vấn đầy đủ về đặc điểm vaccine, các triệu chứng có thể gặp cũng như làm công tác tư tưởng cho người được tiêm. Đơn vị tiêm chủng cũng cần chủ động liên hệ với đối tượng được tiêm để ghi nhận những biến cố bất lợi nhằm bảo đảm an toàn chung cho công tác tiêm chủng cũng như đảm bảo cho sự thành công của chiến dịch.

NGỌC ANH

Đề xuất sửa tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán giảm 30%

Lê Minh Hoàng