Các đại biểu dự Hội thảo tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có Luật sư Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, cùng các Luật sư là Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Dự án JICA trong hơn 12 năm qua luôn đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Sau mỗi một nhiệm kỳ hoạt động của Liên đoàn, Dự án JICA luôn trao đổi và quan tâm đến những vấn đề mà Liên đoàn cần quan tâm ưu tiên để tập trung cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức và hoạt động của Liên đoàn, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư ở Việt Nam.
Lần này, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do JICA tiếp tục tài trợ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư”. Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam xác định những mục tiêu ưu tiên trong công cuộc xây dựng và phát triển Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư trong nhiệm kỳ III, từ đó tiếp tục góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thay mặt Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trân trọng cảm ơn JICA đã tài trợ cho Hội thảo, cảm ơn các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đã sắp xếp thời gian tham dự Hội thảo.
Tiếp tục chương trình Hội thảo, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trình bày về các vấn đề trọng tâm Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần ưu tiên cao nhất để nghiên cứu và đưa ra giải pháp thực hiện nhằm phát huy vai trò tự quản và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III.
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trình bày về các vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ III Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần ưu tiên nghiên cứu và đưa ra giải pháp thực hiện nhằm phát huy vai trò tự quản và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam.
Theo đó, những nhiệm vụ ưu tiên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III là:
1. Củng cố và hoàn thiện bộ máy nhân sự làm việc chuyên trách và bán chuyên trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư;
2. Sửa đổi các Quy chế làm việc của Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc và các cơ quan đơn vị trực thuộc Liên đoàn;
3. Triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho Luật sư. Kết hợp công tác bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;
4. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng Luật sư. Chuyển mạnh và nhanh từ bồi dưỡng trực tiếp sang hình thức bồi dưỡng trực tuyến (online);
5. Triển khai công tác giám sát, hỗ trợ Luật sư trong hành nghề, có sự phối hợp hỗ trợ giữa Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư với các Luật sư hành nghề. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan Nhà nước khác để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư;
6. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư, phối hợp chặt chẽ công tác này giữa Liên đoàn và các Đoàn Luật sư;
7. Công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III cần quán triệt một số nội dung sau:
a) Thực hiện nghiêm quy định pháp luật Nhà nước trong công tác hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư học hỏi giao lưu nghề nghiệp với bạn bè quốc tế;
b) Trong quan hệ quốc tế, luôn giữ đúng nguyên tắc để củng cố và phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư;
c) Tiếp tục củng cố các quan hệ hợp tác quốc tế đã có như hợp tác với Hiệp hội Luật sư Nhật Bản, Hội đồng Luật sư quốc gia Pháp, Hiệp hội Luật sư Liên bang Nga, Hiệp hội Luật sư Malaysia, Đoàn Luật sư Lào, tiếp tục hợp tác với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), Hiệp hội Luật sư ASEAN;
d) Duy trì sự tham gia của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA) và Hiệp hội Luật Châu Á - Thái Bình Dương (Law Asia), Hiệp hội Luật sư các nước ASEAN phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tham dự các hoạt động của Hiệp hội Luật gia Châu Á- Thái Bình Dương (ALA), thể hiện đầy đủ trách nhiệm với tư cách thành viên trong quan hệ đa phương với các hiệp hội Luật sư lớn trên thế giới nêu trên.
8. Công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ sở vật chất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III cần chú ý những yêu cầu sau:
a) Cần tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, Điều lệ và Quy chế tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Việc điều hành quản lý tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn có sự giám sát và bàn bạc trong Thường trực Liên đoàn, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng, vụ lợi;
b) Xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính của Liên đoàn đảm bảo đúng quy định, phù hợp với đặc thù của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư. Công khai, minh bạch, có chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát;
c) Có biện pháp hiệu quả nhằm thu đúng, thu đủ số phí thành viên của Liên đoàn, có chính sách miễn, giảm phí thành viên đối với các đối tượng chính sách, các Luật sư già yếu, bệnh tật hay gặp rủi ro trong nghề nghiệp;
d) Thực hiện việc chi tiêu của Liên đoàn theo kế hoạch đã được duyệt và theo đúng quy chế tài chính của Liên đoàn. Những vấn đề lớn phát sinh cần xin ý kiến Ban Thường vụ Liên đoàn;
đ) Tập trung vào việc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bố trí trụ sở làm việc cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư.
9. Củng cố Cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để một mặt truyền thông kịp thời, chính xác những đóng góp của đội ngũ Luật sư với Nhà nước và xã hội. Đồng thời cơ quan truyền thông Liên đoàn phải có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức truyền thông khác để quảng bá, truyền thông về Luật sư để Nhà nước và xã hội hiểu, ủng hộ cho những đóng góp của đội ngũ Luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
10. Xây dựng một số đầu tàu của nghề Luật sư, của đội ngũ Luật sư nhằm khẳng định chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư với xã hội:
a) Đội ngũ Luật sư tham gia tranh tụng các vụ án hình sự;
b) Đội ngũ Luật sư tư vấn, dịch vụ và tranh tụng lĩnh vực sở hữu trí tuệ;
c) Đội ngũ Luật sư tư vấn đầu tư và thương mại quốc tế.
11. Phát triển nghề Luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế theo tinh thần Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 74/QĐ-Ttg ngày 03/6/2020.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo này, các Luật sư cũng đã cùng nhau thảo luận, góp ý để tiếp tục xây dựng các vấn đề ưu tiên cần giải quyết phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các Luật sư Việt Nam, Luật sư Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Dự án JICA tiếp tục đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo này. Luật sư Edagawa Mitsushi đánh giá cao những phát biểu, góp ý của các Luật sư trong việc xây dựng các vấn đề ưu tiên cần giải quyết phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư. Đồng thời, đưa ra những đánh giá về 11 nhiệm vụ ưu tiên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III. Theo Luật sư Edagawa Mitsushi, đây là những nhiệm vụ quan trọng để phát triển Liên đoàn Luật sư cũng như nghề Luật sư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tập trung lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên cao hơn, phù hợp với năng lực của Dự án JICA để sớm triển khai thực hiện.
Kết luận Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi cảm ơn sâu sắc đến cá nhân Luật sư Edagawa Mitsushi cũng như Dự án JICA. Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc những góp ý của Luật sư Edagawa Mitsushi trong việc xây dựng các vấn đề ưu tiên cần giải quyết phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư trong thời gian tới. Chủ tịch Liên đoàn hy vọng trong thời gian tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Dự án JICA sẽ có thêm nhiều sự hợp tác thành công.
PV
Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chúc mừng năm mới Liên đoàn Luật sư Việt Nam