/ Tin thế giới
/ Những nỗ lực 'ghi điểm' của Tổng thống Trump trong 60 ngày cuối ở Nhà Trắng

Những nỗ lực 'ghi điểm' của Tổng thống Trump trong 60 ngày cuối ở Nhà Trắng

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Từ chối nhận thua và quyết đấu pháp lý đến cùng song trong 60 ngày cuối ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump bận rộn tìm cách ghi điểm qua việc thực hiện hàng loạt lời hứa tranh cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 3/11/2020. Ảnh: Getty.

Nỗ lực “ghi điểm” vào phút chót

Tổng thống Trump đang tìm cách "ghi điểm" và thực hiện các bước đi nhằm thúc đẩy các chính sách trong hơn 60 ngày cuối cùng của ông ở Nhà Trắng mặc dù ông liên tục từ chối chấp nhận kết quả bầu cử cũng như khẳng định sẽ theo đuổi các cuộc chiến pháp lý đến cùng ở các bang chiến địa.

Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã sa thải quan chức an ninh mạng hàng đầu Christopher Krebs tối 17/11. Ông Trump đã không hài lòng khi ông Krebs đưa ra một thông báo cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử đảm bảo an ninh nhất lịch sử, một thông điệp đi ngược với những cáo buộc chưa có bằng chứng của Tổng thống và các đồng minh về gian lận phiếu bầu.

Việc sa thải ông Krebs diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phải ra đi đã đặt ra thực tế: Tổng thống Trump có thể tiếp tục sa thải thêm nhiều quan chức khác, chẳng hạn như Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc FBI Christopher Wray giữa bối cảnh có những dấu hiệu từ chính quyền ông Trump cho thấy, bất kỳ ai làm những điều được cho là không trung thành với Tổng thống đều sẽ bị trừng phạt.

Ông Biden cảnh báo rằng việc Tổng thống Trump từ chối chia sẻ thông tin về an ninh quốc gia cũng như đại dịch Covid-19 trong quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình đang đe dọa đến mạng sống của nhiều người, đồng thời nhận định việc này có thể làm suy giảm các giá trị dân chủ của đất nước.

"Sự trung thành là điều quan trọng nhất với Tổng thống. Ông ấy luôn nói rõ điều này. Tổng thống Trump hy vọng những người xung quanh ông sẽ tuyên thệ với lòng trung thành và đáp ứng được điều đó. Nếu họ không làm vậy, họ sẽ phải chịu hậu quả", Dan Eberhart - một nhà gây quỹ đảng Cộng hòa cho hay.

Ông Dan Eberhart cũng cho biết những nhân viên mà ông Trump coi là một phần trong gia đình của ông sẽ không thể tiếp tục giữ vị trí của họ lâu nếu Tổng thống cho rằng họ không còn trung thành.

"Hầu hết mọi người hiểu điều này và đang tìm công việc mới trước khi họ chính thức lên tiếng".

Phần lớn đảng Cộng hòa đều ủng hộ Tổng thống Trump theo đuổi các thách thức pháp lý về kết quả bầu cử song những quan điểm chia rẽ về vấn đề này đã bắt đầu xuất hiện trong nội bộ đảng.

Ông Trump dường như ngày càng tập trung vào việc đưa ra các động thái mới với vai trò là một Tổng thống nhằm thực hiện các lời hứa tranh cử, thậm chí cả khi điều đó có thể đặt ông vào tình thế xung đột với các lãnh đạo hàng đầu đảng Cộng hòa như Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell.

Hôm 17/11, Lầu Năm Góc thông báo sẽ rút hàng nghìn lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan, bất chấp phản đối từ lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện và các thành viên trong đảng. Ông Trump đã tranh cử năm 2016 với 2020 với lời hứa rằng sẽ đưa các binh lính Mỹ trở về từ những cuộc chiến tranh kéo dài ở nước ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến 19 năm ở Afghanistan.

"Cách đây 4 năm, Tổng thống Trump đã tranh cử với lời hứa chấm dứt những cuộc chiến liên miên của nước Mỹ. Tổng thống đang thực hiện lời hứa đó với những người dân Mỹ", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien nhận định với báo giới sau thông báo của Lầu Năm Góc.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty mà chính phủ cho rằng có liên hệ với quân đội Trung Quốc trong nỗ lực gây sức ép với Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Trump cũng chuẩn bị thúc đẩy một đề xuất "được ủng hộ nhất đất nước" mà theo đó sẽ hạ giá của một số loại thuốc. Tổng thống cũng có kế hoạch ban hành sắc lệnh hành pháp giảm bớt việc sử dụng visa công việc H-1B.

Những phản ứng trái chiều

Từ lâu đã có những cuộc trao đổi rằng Tổng thống Trump sẽ sa thải ông Esper, ông Wray hoặc ông Haspel trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Sau khi ông Esper ra đi, đã có một sự biến động về lãnh đạo của Lầu Năm Góc khi ông Trump đưa những người trung thành với mình vào đảm nhiệm các vị trí của cơ quan này.

Sau khi ông Krebs bị sa thải, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và các cựu quan chức Mỹ đã lên tiếng phản đối động thái này của ông Trump.

"Không có lý do gì để sa thải đội ngũ an ninh quốc gia khi chỉ còn chưa đầy 10 tuần cho tới thời điểm chuyển giao. Điều đó sẽ gây nên sự gián đoạn không thể tránh khỏi với bản thân các chính sách chứ chưa nói đến khả năng chuyển giao êm đềm", ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump nhận định hôm 18/11.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã xác nhận hôm 18/11 rằng ông Krebs bị sa thải bởi ông nói rằng cuộc bầu cử 2020 được đảm bảo an toàn.

Bà Kayleigh McEnany cũng dẫn ra những khiếu nại về quá trình bầu cử ở Georgia và Michigan song những điều này không thể chứng minh cho các cáo buộc của ông Trump về gian lận bầu cử trên diện rộng.

Ông Trump từ lâu đã không hài lòng với những người ông cảm thấy không đủ trung thành và sự giận dữ của ông của thể vượt ra ngoài Washington DC giữa bối cảnh ông đang tìm cách củng cố ảnh hưởng trong đảng.

Tổng thống đã chỉ trích Người đứng đầu Ban bầu cử ở Georgia Brad Raffensperger và Thống đốc bang này Brian Kemp về kết quả bầu cử.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang bày tỏ lo ngại rằng những cuộc công kích của Tổng thống Trump về quy trình bầu cử có thể ảnh hưởng đến khả năng giành ghế Thượng viện tại Georgia của đảng, vốn sẽ được quyết định vào tháng 1 năm sau.

KIỀU ANH/VOV
/ong-trump-quyet-dau-phap-ly-du-dang-duoi-dan-muc-dich-thuc-su-la-gi.html