/ Pháp luật - Đầu tư
/ Những nút thắt cần tháo gỡ để Đồ án quy hoạch theo Quyết định số 423/TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có hiệu quả

Những nút thắt cần tháo gỡ để Đồ án quy hoạch theo Quyết định số 423/TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có hiệu quả

23/08/2023 15:58 |

(LSVN) - Để thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ ngành khỏi khu vực nội đô Hà Nội theo Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã dành quỹ đất khoảng 100ha trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm để xây trụ sở mới của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao... Thế nhưng, Hà Nội chưa thu hồi được mét đất nào từ các trụ sở cũ của các bộ ngành trên gây lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước đồng thời mục tiêu giảm tải cho khu vực nội đô cũng chưa thực hiện được.

Nhiều bộ, ngành đến trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ

Tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Để thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ ngành khỏi khu vực nội đô Hà Nội theo Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã dành quỹ đất khoảng 100ha trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm để xây trụ sở mới của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao... Thế nhưng, Hà Nội chưa thu hồi được mét đất nào từ các trụ sở cũ của các bộ ngành trên gây lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước đồng thời mục tiêu giảm tải cho khu vực nội đô cũng chưa thực hiện được.

 

Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường xây trụ sở mới tại vị trí Lô D24-Khu đô thị mới Cầu Giấy diện tích 1,38ha (gấp gần 4 lần so với trụ sở cũ ở số 83 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) được xây khối nhà 18 tầng và đưa vào sử dụng năm 2011. Thế nhưng, Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ tại đường Nguyễn Chí Thanh với lý giải do Bộ được giao quản lý thêm 3 lĩnh vực nên công năng sở mới vẫn không đáp ứng đủ…

Bộ Khoa học và Công nghệ có trụ sở mới tại địa chỉ 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) là một tòa nhà cao 13 tầng được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,8ha và được đưa vào sử dụng năm 2011. So với trụ sở cũ tại 39 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) chỉ có quỹ đất 0,15ha quy mô 4 tầng thì trụ sở mới có diện tích đất gấp 12 lần, xây tòa nhà 13 tầng. Tuy nhiên, Bộ này lý giải do nhân sự của bộ phát triển thêm nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc. Bởi thiết kế trụ sở mới chỉ đáp ứng chỗ làm việc cho khoảng 400 người theo định mức diện tích phòng làm việc của cán bộ, công chức thì còn thiếu nhiều... 

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao tọa lạc ở vị trí đắc địa trên đường Lê Quang Đạo ngay nút giao với Đại lộ Thăng Long được đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng ,Bộ Ngoại giao lại có đề xuất giữ lại 3 khu “đất vàng” hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, khu đất ở số 2 ngõ 294 phố Kim Mã (quận Ba Đình) có diện tích 9.562m2 có khuôn viên riêng biệt hiện đang bỏ trống không sử dụng nên Bộ Ngoại giao đã đề nghị cho phép Cục Phục vụ ngoại giao đoàn được kêu gọi đối tác bên ngoài đầu tư xây dựng lại tại đây thành Tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại. Hai khu nhà đất khác ở số 300 phố Kim Mã có diện tích 3.243 m2 và khu nhà đất nằm ở vị trí đắc địa với 2 mặt tiền trên phố Kim Mã và phố Vạn Bảo (quận Ba Đình) hiện cũng đang bỏ hoang. Vậy là những mảnh đất nghìn tỉ trên đang bị bỏ hoang gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

Được biết, Bộ Tài chính đã có văn bản cho ý kiến về phương án xử lý 3 khu nhà đất trên, trong đó khẳng định: Theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp và xử lý tài sản công, việc Bộ Ngoại giao đề xuất giữ lại, tiếp tục quản lý. sử dụng để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao là chưa phù hợp.Vậy nên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp và xử lý tài sản công.

 

Trụ sở mới của Thanh Tra Chính phủ nằm tại Lô D29, khu Đô thị mới Cầu giấy (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) với tổng mức đầu tư 215 tỉ đồng.

Trụ sở làm việc mới của Thanh tra Chính phủ tại Khu đô thị mới Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa vào sử dụng tháng 12/2010. Tuy nhiên, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại địa chỉ số 220 phố Đội Cấn, quận Ba Đình có diện tích khoảng 7.016m2 được duyệt xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp trong đó có cao ốc 17 tầng. Đến nay gần 13 năm, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ vẫn bỏ hoang.

Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 423 ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải đảm bảo nguyên tắc đã được định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng,trường học,vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế việc chất tải thêm vào hạ tầng tại khu vực.

Về dự án xây dựng chung cư cao cấp ở trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ trên phố Đội Cấn, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp. Trong khi quận Ba Đình đang phải giảm dân số thì việc xây dựng chung cư tại đây là đi ngược chủ trương này. Hạ tầng khu vực đang rất chật hẹp. Tuyến đường Đội Cấn là đường một một chiều lại quá chật hẹp và thường ách tắc. Vậy nên, ông Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị: “Nếu cần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ nhân viên ngành thanh tra thì hoàn toàn có thể đưa ra quỹ đất khu vực bên ngoài, không nhất thiết phải dùng quỹ đất là trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ.”

Cần nói thêm là, trụ sở Thanh tra Chính phủ cũ ở trên địa bàn phường Liễu Giai là một phường được thành lập gần 20 năm nay với hơn 21.000 dân nhưng hiện nay là phường không có trường tiểu học, trung học cơ sở. Vậy nên, trong những năm qua, cử tri phường Liễu Giai nói riêng và cử tri quận Ba Đình nói chung đã nhiều lần đề đạt mong muốn tại trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ nên cấp phép xây dựng trường học thay vì cấp phép xây dựng chung cư cao cấp. Ông Nguyễn Văn Muôn, Phó Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 5, phường Liễu Giai phân tích: Quyết định xây dựng chung cư cao cấp 17 tầng trên trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ sẽ tăng áp lực giao thông trên địa bàn. Bởi tại đây chỉ có đường Đội Cấn là đường ô tô đi một chiều nên vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều mật độ ô tô, xe máy tăng cao nên thường xẩy tình trạng ùn tắc giao thông. Vậy nên đề nghị Chính phủ sớm hủy bỏ quyết định xây chung cư cao cấp trên thay thế bằng quyết định xây dựng tại đây tổ hợp trường tiểu học và trung học cơ sở cho phường Liễu Giai.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND phường Liễu Giai về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Chung cho biết: Với số lượng học sinh cấp 1, cấp 2 mỗi năm đều tăng nhưng phường Liễu Giai hiện chưa có trường cấp 1 và cấp 2 nên đầu năm học mới, phường phải liên hệ cho các cháu học sinh sang học tại các phường bên cạnh là phường Đội Cấn, Cống Vị, Ngọc Hà. Trước thực trạng này, UBND phường Liễu Giai đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có thẩm quyền xem xét, ưu tiên dành một phần diện tích hoặc sàn xây dựng của các dự án tại khu đất là trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ ở địa chỉ 220 phố Đội Cấn; hoặc một phần đất của trụ sở cũ của Tòa án nhân dân tối cao ở 262 phố Đội Cấn để bố trí làm trường học các cấp phục vụ cho dân cư tại dự án và khu vực phường Liễu Giai, phù hợp với yêu cầu quy định tại Luật Thủ đô đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các cháu học sinh trên địa bàn phường và hoàn chỉnh mạng lưới trường học nhằm giải quyết triệt để kiếm nghị của người dân trên địa bàn phường Liễu Giai.

Những nút thắt cần tháo gỡ để Quyết định số 423/TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có hiệu quả

Có thể nói, đến nay đã hơn 10 năm, nhiều bộ, ngành đến trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ trở cũ cho thành phố Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thẩm tra báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã nêu rõ 11 nhóm hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công. Ủy ban Tài chính, ngân sách đã chỉ rõ một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý như: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... Trong số các bộ, ngành đầu tư xây dựng trụ sở mới đến nay chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Tòa án nhân dân Tối cao về trụ sở làm việc mới tại 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Cuối năm 2020, Tòa án nhân dân Tối cao đã có văn bản trả lại 3 cơ sở nhà đất tại 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, số 2 Văn Phú và số 2A Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho Chính phủ quản lý sử dụng hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước có nhu cầu. Bộ Tài chính sau đó cũng đã có văn bản sẽ thẩm định và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất trên.

Xin được nhấn mạnh lại là: Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành và UBND thành phố Hà Nội đối với việc di dời trụ sở các bộ ngành khỏi nội thành Hà Nội. Cụ thể, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm lập danh mục, cụ thể hóa chỉ tiêu, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan ,đơn vị (bộ ngành. cơ quan Trung ương) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo quy hoạch. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách về tài chính để khuyến khích khai thác quỹ đất có hiệu quả đảm bảo theo tiến độ và lộ trình di dời của thành phố Hà Nội và từng bộ ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành tại các địa điểm mới bảo đảm tính khả thi. UBND thành phố Hà Nội tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời; đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời...

Quyết định số 130/QĐ-TTg cũng xác định  nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Cụ thể: ưu tiện để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Vậy nhưng, nhiều bộ, ngành không thực hiện nghiêm Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi di dời đến trụ sở làm việc mới. Một số chuyên gia cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do còn thiếu những quy định, tiêu chí cụ thể để thực thi chính sách di dời theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, trách nhiệm và kỷ luật công vụ của cơ quan có thẩm quyền chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Thứ ba là công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, không loại trừ việc bị “nhóm lợi ích” lợi dụng để thâu tóm “đất vàng”.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội thuộc lĩnh vực xây dựng trong đó có việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội. Kiến nghị những giải pháp để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ: Thứ nhất, các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội cần thức đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia. quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015. Thứ hai, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu của  Quyết định số 130/QĐ-TTg quy định về sắp xếp lại,xử lý tài sản công tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Thứ ba, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai công tác rà soát,thực hiện đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 15/7/2021; lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan; đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.

Tình trạng bộ, ngành có trụ sở làm việc mới nhưng vẫn không chịu bàn giao trụ sở cũ cho nhà nước, địa phương quản lý được Quốc hội, đại biểu Quốc hội nêu ra nhiều năm qua nhưng chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của cơ quan Trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới.Vậy nên cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi lẽ, đất đai là tài sản đặc biệt và có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng cho rằng: Hà Nội đã làm tốt công tác bố trí đất để phục vụ cho việc di dời. Song mỗi bộ ngành đều có đặc quyền rất lớn, Hà Nội không thể tự giải quyết vì nó dẫn đến nguy cơ xung đột về lợi ích và quyền lực. Do đó, cần có sự quyết liệt từ Chính phủ buộc phải bàn giao lại đất khi đã có trụ sở mới mà không kể bất cứ lý do gì và phải có chế tài. Từng là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiều khóa và là đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng đây là vấn đề đã tồn tại dai dẳng từ lâu nhưng kỷ cương phép nước chưa được thực hiện nghiêm. Với bộ ngành nào được xây trụ sở mới đã đi vào hoạt động không trả trụ sở cũ, Chính phủ phải có hình thức xử lý, kỷ luật người đứng đầu là bộ trưởng, trưởng ngành. Bà An cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát về nội dung này hoặc yêu cầu Chính phủ giải trình trước Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Vậy nên cần phải có những giải pháp quyết liệt đồng bộ thì Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ mới thực hiện nghiêm. Các bộ ngành đến trụ sở làm việc mới phải bàn giao trụ sở cũ cho nhà nước, địa phương quản lý và Hà Nội sẽ có thêm quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công và các không gian xanh đang rất thiếu ở Thủ đô.

 

Bộ Xây dựng bàn giao đồ án quy hoạch cho UBND thành phố Hà Nội. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (thứ 2 từ trái sang) nhận bàn giao đồ án quy hoạch từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn (thứ 3 từ trái sang).

Xin được nhắc lại là, Bộ Xây dựng vừa công bố Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030 theo Quyết định số 423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã bàn giao Đề án quy hoạch trên của Thủ tường Chính phủ cho UBND thành phố Hà Nội. Đây có thể coi là dấu mốc để Hà Nội triển khai thực hiện đề án trên của Thủ tướng Chính phủ. Một thông tin khác là,trong Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, trong phần nhiệm vụ và giải pháp trong tâm của Chỉ thị này đã nhấn mạnh: Để khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch. Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư là tín hiệu vui để đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành Trung ương ra khỏi nội thành Hà Nội.

Có như vậy thì việc triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tại khu Tây Hồ Tây và khu vực Mễ Trì sẽ được thực hiện đúng với kế hoạch và đạt được kết quả tốt nhất.

                                                                                                            QUANG HƯỚNG

Xây dựng hệ thống trụ sở làm việc theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì

Nguyễn Mỹ Linh