Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, ngày 17/11/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư số 57/2021/TT-BCA quy định về quy trình đăng ký cư trú. Theo đó, dưới đây là tổng hợp toàn bộ điểm mới đáng chú ý về đăng ký cư trú mà trong đó có đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú, những quy định ảnh hưởng đến đa số người dân từ 01/01/2024.
Được đăng ký thường trú, tạm trú qua ứng dụng VNeID
Tại khoản 1, Điều 1, Thông tư 66/2023/TT-BCA đã sửa đổi các hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú như sau:
- Thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
- Thực hiện online qua cổng dịch vụ công;
- Thực hiện thông qua ứng dụng VNeID;
- Thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến khác.
Trong khi trước đó, Điều 3, Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định các hình thức gồm: Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Như vậy, điểm mới Thông tư 66/2023/TT-BCA về đăng ký cư trú là người dân có thể đăng ký thường trú hoặc tạm trú thông qua ứng dụng VNeID.
Đồng thời, thông qua ứng dụng này, người dân còn có thể phản ánh thông tin về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; xác nhận thông tin về cư trú.
Sửa quy định về hồ sơ phải nộp khi đăng ký thường trú
Bên cạnh việc bổ sung hình thức đăng ký cư trú, Thông tư 66/2023/TT-BCA cũng sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú như sau:
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp
Người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú online
Người dân khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.
Trong khi đó, theo quy định cũ, khi đăng ký cư trú online, người dân khai báo thông tin, đính kèm bản quét/bản chụp giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, công dân phải xuất trình bản chính đã cung cấp khi người làm công tác đăng ký cư trú yêu cầu.
Đồng thời, Thông tư 66/2023/TT-BCA cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online. Cụ thể:
- Bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải:
Rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung;
Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.
- Thông tin giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký thường trú/tạm trú đã được chi sẻ và khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc chuyên ngành: Không được yêu cầu nộp, xuất trình giấy tờ đó để giải quyết đăng ký cư trú.
Ngoài ra, về việc thông báo kết quả, theo điểm mới Thông tư 66/2023/TT-BCA/2023 về đăng ký cư trú, kết quả giải quyết thủ tục sẽ được thực hiện dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, tin nhắn SMS.
Trong khi đó, khoản 4, Điều 3, Thông tư 55/2021/TT-BCA đang liệt kê rất nhiều hình thức thông báo gồm: Hình thức văn bản, tin nhắn điện tử đến hộp thư điện tử hoặc điện thoại, trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, ứng dụng trên thiết bị điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Nếu giấy tờ đã cung cấp bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả hoặc khai thông tin không đúng sự thật thì cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết và không trả lại lệ phí đã nộp (nếu đã nộp).
Quy định mới về xác nhận thông tin cư trú
Tăng thời hạn giấy xác nhận cư trú lên 01 năm
Đây cũng là một trong những điểm mới Thông tư 66/2023/TT-BCA/2023 về đăng ký cư trú đáng chú ý có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Theo đó, sửa quy định về giá trị sử dụng của giấy xác nhận thông tin cư trú nêu tại Điều 17, Thông tư 55/2021/TT-BCA như sau:
Giấy xác nhận thông tin về cư trú có thời hạn sử dụng là 01 năm kể từ ngày cấp. Trong khi đó, quy định cũ đang phân ra hai loại thời hạn:
Xác nhận cư trú cho người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú: 06 tháng kể từ ngày cấp.
Xác nhận thông tin về cư trú: 30 ngày kể từ ngày cấp.
Đồng thời, với trường hợp thông tin cư trú của công dân thay đổi, điều chỉnh, được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì giấy này hết giá trị kể từ điểm thay đổi, điều chỉnh ở quy định mới vẫn giữ nguyên như quy định cũ.
Như vậy, có thể thấy, thời hạn có giá trị của giấy xác nhận cư trú đã được tăng lên thống nhất là 01 năm thay vì thời hạn có giá trị của từng trường hợp cụ thể như trên.
Thời hạn giải quyết xác nhận thông tin về cư trú
Ngoài ra, khoản 9, Điều 1, Thông tư 66/2023/TT-BCA còn bổ sung quy định về thời hạn giải quyết của một số thủ tục xác nhận thông tin về cư trú khi được công dân yêu cầu như sau:
- Khi thông tin cư trú cần xác nhận đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Thời hạn giải quyết không quá 1/2 ngày làm việc;
- Khi thông tin cư trú cần xác nhận không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú: Thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
Nội dung xác nhận thông tin cư trú
Về nội dung xác nhận thông tin cư trú, Thông tư 66/2023/TT-BCA đã bổ sung thêm nhiều thông tin được xác nhận gồm: Thông tin về nơi cư trú hiện tại, các nơi cư trú trước đây, thời gian sinh sống tại từng nơi cư trú, hình thức đăng ký cư trú và các thông tin về cư trú khác đang có trong cơ sở dữ liệu về cư trú, về dân cư.
Trong khi đó, quy định cũ tại Thông tư 55/2021/TT-BCA chỉ nêu xác định các thông tin cư trú sau đây: Thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Trường hợp không phải điều chỉnh thông tin về cư trú
Khoản 2, Điều 10, Thông tư 55/2021/TT-BCA về điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu được bổ sung trường hợp không phải thực hiện điều chỉnh thông tin về cư trú nếu các thông tin về hộ tịch của công dân đã được cập nhật, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Thông tư 55/2021/TT-BCA không có quy định này).
Ngoài ra, những quy định khác vẫn được giữ nguyên gồm:
- Nếu có sự thay đổi về hộ tịch so với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh được phép thay đổi của cơ quan đăng ký hộ tịch;
- Nếu đã có thông tin về sự thay đổi trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì không cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh.
Không phải công chứng hợp đồng thuê nhà khi đăng ký tạm trú
Hợp đồng thuê nhà là một trong các minh chứng chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú của công dân. Và để đơn giản thủ tục và thống nhất với các quy định liên quan, khoản 7, Điều 1, Thông tư 66/2023/TT-BCA đã bổ sung quy định vào khoản 3, Điều 13, Thông tư số 55/2021/TT-BCA như sau: "3. Trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân, tổ chức thì văn bản đó không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực".
Như vậy, với quy định này, từ ngày 01/01/2024, khi đăng ký tạm trú ở nhà thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì hợp đồng thuê nhà, hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ sẽ không bắt buộc phải công chứng và chứng thực.
Xác định mối quan hệ với chủ hộ trong đăng ký thường trú
Trong đăng ký thường trú, đăng ký cư trú, có một số trường hợp phải xác minh mối quan hệ với chủ hộ và người đăng ký cư trú. Nội dung này từ ngày 01/01/2024 được sửa đổi theo khoản 3, Điều 1, Thông tư 66/2023/TT-BCA năm 2023 như sau:
- Công dân không có hoặc có nhưng không đầy đủ về thông tin này trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Thu thập, kiểm tra, xác minh và cập nhật, bổ sung trước khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục về cư trú.
Trong đó, cơ quan có thẩm quyền phải rà soát, cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại của công dân đang thực tế sinh sống trên địa bàn đảm bảo chính xác, kịp thời.
Trong đó, các mối quan hệ giữa thành viên gia đình với chủ hộ của hộ gia đình theo quy định mới gồm:
Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu; cụ nội, cụ ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, người được giám hộ; ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 4, Điều 6, Thông tư 55/2021/TT-BCA, các mối quan hệ này gồm có:
Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.
Như vậy, từ ngày 01/01/2024, Thông tư 66/2023/TT-BCA đã bổ sung thêm các mối quan hệ liên quan đến đăng ký cư trú gồm: Cha mẹ vợ; cha mẹ chồng; cha dượng, mẹ kế; con dâu, con rể; con riêng của vợ/chồng; anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; anh em rể; chị em dâu; cháu nội, cháu ngoại; người được giám hộ.
Ban hành loạt biểu mẫu mới về cư trú
Ban hành kèm theo Điều 4, Thông tư 66/2023/TT-BCA là hàng hoạt các biểu mẫu mới so với Thông tư số 56/2021/TT-BCA, gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, viết tắt là CT01;
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (dùng cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng), viết tắt là CT02;
- Phiếu khai báo tạm vắng viết tắt là CT03;
- Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, viết tắt là CT05;
- Xác nhận thông tin về cư trú, viết tắt là CT07;
- Thông báo về kết quả giải quyết thủ tục về cư trú/hủy bỏ thủ tục về cư trú Phiếu xác minh thông tin về cư trú, viết tắt là CT10;
- Phiếu trả lời xác minh thông tin về cư trú, viết tắt là CT10a…
- Những biểu mẫu này thay thế cho các biểu mẫu tương ứng tại Thông tư 56/2021/TT-BCA năm 2021 của Bộ Công an.
MINH TRẦN
Trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế