/ Đời sống - Xã hội
/ Những sự kiện văn hóa, giáo dục nổi bật năm 2021

Những sự kiện văn hóa, giáo dục nổi bật năm 2021

02/02/2022 03:06 |

(LSVN) - Dù đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại song các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, để lại nhiều dấu ấn trong năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021

Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghiêm cấm hành vi ngăn chặn phổ biến Quốc ca Việt Nam

Ngày 07/12/2021, Bộ VH-TT&DL yêu cầu không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Theo Bộ VH-TT&DL, ca khúc "Tiến quân ca" là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Ban hành quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Cũng vào đầu tháng 12/2021, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ để "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu".

Bộ quy tắc áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghệ thuật, quy định hành vi ứng xử của họ trong nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng.

Cụ thể, cơ quan lãnh đạo yêu cầu mỗi nghệ sĩ tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi đổi mới.

 Nghệ sĩ cần giữ gìn danh hiệu, hình ảnh thông qua việc chọn lựa trang phục, hóa trang phù hợp mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật, đồng thời đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Lùm xùm sao kê và từ thiện của giới nghệ sĩ

Sao kê trở thành từ khóa "hot" thu hút sự quan tâm của cộng đồng khi nhắc đến showbiz Việt năm 2021. Nhiều nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… cũng phải thực hiện sao kê để chứng minh sự minh bạch của mình.

Trước sự phản ứng của dư luận và công chúng, công an và các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra các hoạt động quyên góp tiền từ thiện của dàn sao Việt.

Trong những ngày cuối năm 2021, Công an TP. Hồ Chí Minh kết luận nghệ sĩ Hoài Linh không "ăn chặn" tiền từ thiện. Theo đó, đơn vị này đã ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc quyên góp tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.

Liên quan đến các đơn thư tố cáo ca sĩ Thủy Tiên và một số nghệ sĩ trong việc làm từ thiện, chiều 28/12/2021, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết: “Chúng tôi xác định lượng tiền vào tài khoản của một số cá nhân còn ít hơn số tiền họ đã ủng hộ từ thiện, việc này đều có xác nhận của UBND hoặc MTTQ hoặc cá nhân liên quan tại địa phương diễn ra hoạt động từ thiện…”.

Đến thời điểm hiện tại, Cục Cảnh sát hình sự đã xác định các nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp và không có dấu hiệu phạm tội nên không khởi tố vụ án hình sự.

Bát nháo chuyện nghệ sĩ quảng cáo

NSND Hồng Vân, MC Trấn Thành, nghệ sĩ Vân Dung... từng trở thành tâm điểm chỉ trích khi quảng cáo sản phẩm bị tố kém chất lượng. Sau sự việc, các nghệ sĩ phải đứng ra xin lỗi và kêu gọi đồng nghiệp rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, rất nhiều nghệ sĩ khác như: Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như cũng đồng loạt đăng đàn PR cho tiền ảo. Tuy nhiên, chỉ Nam Thư đứng ra xin lỗi khán giả vì hành động này của mình.

Liên quan đến loạt sự việc, Bộ VH-TT&DL cũng đưa văn bản đề nghị chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Theo đó, Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về biểu diễn, quảng cáo và an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Sở Văn hóa các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về biểu diễn, quảng cáo...

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam quán triệt các hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan tỏa những việc tốt, hình ảnh đẹp, ứng xử văn hóa đến cộng đồng.

Giáo dục vượt khó, tiếp tục thắng lớn trên sân chơi quốc tế

Năm 2021, ngành giáo dục bị tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Lần đầu tiên, học sinh nhiều địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình. Phần lớn trong số 22 triệu học sinh, sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng và học online suốt thời gian còn lại. Lần đầu tiên, học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chưa một lần được đến lớp. 

Năm nay, học sinh Việt Nam thắng lớn tại sân chơi quốc tế. Bộ GD&ĐT cử 07 đoàn học sinh giỏi với 37 lượt học sinh tham gia Olympic. Kết quả, tất cả thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen (giải khuyến khích); các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Du lịch thích ứng với “bình thường mới”

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp hoạt động du lịch dần trở lại. Đáng kể nhất là việc các địa phương tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Lần lượt Quảng Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa đã đón những đoàn khách đầu tiên sau hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Những tín hiệu khả quan từ các đoàn khách là động lực khiến nhiều địa phương khác đề xuất được tham gia chương trình thí điểm.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng đã có những thay đổi về chiến lược, sản phẩm, cách tiếp cận... để thu hút du khách. Đồng hành với doanh nghiệp là hàng loạt sự kiện tìm cách gỡ khó cho du lịch như: Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hội thảo “Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức...

Đồng thời, cũng liên tiếp được vinh danh tại nhiều giải thưởng quốc tế uy tín trong khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đó là các giải: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2021”, “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á 2021” tại Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) 2021; “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2021”, “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á 2021” tại Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards-WGA) 2021 và “Điểm đến Du thuyền trên sông tốt nhất Châu Á 2021” tại Giải thưởng Du thuyền thế giới (World Cruise Awards-WCA).

UNESCO vinh danh hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam

Trong phiên họp sáng 23/11/2021, tại Paris (Pháp), hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh. Việc vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023”. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác.

Ngoài ra, những ngày gần kề kết thúc năm 2021, Nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ thể của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng Tây Bắc Việt Nam, canh tác chủ yếu là trồng lúa nước. Theo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc ghi danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản UNESCO đang thúc đẩy.

VŨ QUẾ

Cà Mau công bố số điện thoại tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực

Lê Minh Hoàng