Chiêm bái núi Bà Đen vào buổi tối
Rất nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh núi Bà Đen đông đúc vào ban ngày với hơn hai triệu du khách đến du ngoạn từ đầu năm đến nay, nhưng muốn được chiêm bái một Bà Đen huyền bí và vi diệu thì phải lên núi vào buổi tối. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh lung linh kỳ ảo được tạo nên bởi hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại với hơn 3.500 ngọn đèn led thắp sáng đỉnh núi.
Núi Bà Đen đêm.
Từ trên cao nhìn xuống, một màn led “khổng lồ” với 29 mảnh ghép và hơn 480 ngọn đèn âm sàn tạo thành màn trình diễn ánh sáng đầy nghệ thuật trên đỉnh núi với các hình ảnh biểu tượng của Phật giáo như chữ Vạn, hoa sen... Xung quanh quần thể tâm linh trên đỉnh núi với tâm điểm là bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất Châu Á, hệ thống chiếu sáng huyền ảo tạo nên một bức tranh đêm kỳ thú tựa như hàng ngàn vì sao đang tỏa sáng, càng tôn lên vẻ uy nghi, kỳ vĩ của quần thể tâm linh.
Không chỉ được điều khiển linh hoạt theo thời gian, sáng tối theo mùa và đồng bộ hệ thống cảm biến quang để nâng cao sự linh hoạt, tăng khả năng tiết kiệm điện; hệ thống ánh sáng trên núi Bà Đen còn được vận hành theo đúng xu hướng “Lấy con người làm trung tâm” với tiền đề là thân thiện với sức khỏe và trạng thái tâm lý của con người thông qua cân bằng các yếu tố nhân tạo và tự nhiên. Bởi vậy, lên núi Bà Đen vào buổi tối sẽ mang đến một cảm giác vô cùng an yên, tĩnh tại, nơi bạn có thể rũ bỏ mọi mệt mỏi và muộn phiền để tĩnh tâm và cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn.
Đêm trên núi Bà Đen.
Đặc biệt lên đỉnh núi vào buổi tối, bạn sẽ cảm nhận rất rõ khí hậu mát lạnh giữa không gian khoáng đạt nhìn ra cả một vùng đồng bằng trù phú lấp lánh trong ánh đèn. Nhất là trong thời điểm miền Nam nắng nóng, nhiệt độ trên đỉnh núi vào buổi tối chỉ còn dưới 20 độ C, bạn sẽ cần khoác một chiếc áo khoác nhẹ để cảm nhận không khí se lạnh khác hẳn với bầu không khí ngột ngạt của thành phố.
Đi cáp treo lên núi Bà Đen vào buổi tối cũng là một lựa chọn rất kinh tế, vì từ ngày 01/4 – 31/12/2023, Sun World BaDen Mountain có chính sách ưu đãi giá vé đặc biệt vào buổi tối. Theo đó, trong các khung giờ sau 17h các ngày T7, Chủ Nhật hàng tuần, giá vé tuyến cáp Vân Sơn chỉ còn 200.000đồng/người lớn; 100.000 đồng/trẻ em; Combo tham quan Đỉnh – Chùa chỉ 300.000 đồng/người lớn; 150.000 đồng /trẻ em.
Ngồi thiền dưới đại hồng chung tại chùa Bà
Ngồi dưới đại hồng chung ở khu vực chùa Bà và nghe tiếng chuông để tịnh tâm – đây là một trải nghiệm tâm linh độc đáo mà bạn nên thử ít nhất một lần khi đến núi Bà Đen. Nhiều người chia sẻ, ngồi dưới miệng hồng chung và nghe tiếng chuông âm vang cảm thấy vô cùng thanh tịnh và bình yên.
Ngồi dưới chuôg.
Với quan niệm ngồi dưới miệng chuông tại chùa Bà vừa có thể tịnh tâm, vừa có thể cầu nguyện cho những người thân, rất nhiều người xem việc ngồi dưới đại hồng chung sẽ giúp họ may mắn, bình an và tiêu tan nghiệp chướng. Đặc biệt, âm thanh dưới miệng chuông không hề lớn mà rất nhẹ nhàng, nơi bạn có thể cảm nhận sóng âm liên tục lan toả xung quanh miệng chuộng.
Bạn cũng sẽ thấy phía trong hồng chung có rất nhiều giấy dán tên tuổi, ngày tháng năm sinh của của cả người đang sống và đã mất. Nhiều người tin rằng, dán giấy tại đây có thể gửi theo tiếng chuông để cầu an cho bản thân và gia đình.
Xem lễ Cúng tứ thời của các đạo hữu Cao Đài tại Toà Thánh
Toà Thánh là điểm tham quan phải đến tại Tây Ninh bởi đây không chỉ là công trình có lối kiến trúc hoành tráng, chạm khắc tinh xảo đầy tính nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của tín ngưỡng lớn nhất tại đây – Đạo Cao Đài.
Toà thánh.
Đặc biệt, để hiểu về tín ngưỡng của đạo Cao Đài, bạn đừng quên đến Toà Thành để được xem các tín đồ hành lễ trang trọng trong nghi lễ Cúng tứ thời – một nghi lễ định kỳ hàng ngày tổ chức vào 4 khung giờ (0h, 6h, 12h và 18h). Khung 18h tối là khung giờ đẹp nhất bạn nên ghé đến để xem lễ, bởi đây là thời điểm các tín đồ đã thu xếp xong công việc cá nhân để tham dự thời cúng tứ thời tại điện thờ. Tại đây, nếu may mắn bạn sẽ được mời vào ngồi ở một góc nhỏ trong Toà Thánh và được yêu cầu giữ trật tử để xem hành lễ. Bạn sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới hoàn toàn khác, nơi các đạo hữu nghiêm cẩn hành lễ trước Thượng Đế và cả toà Thánh thắp sáng trong một vẻ đẹp uy nghiêm lộng lẫy.
Ăn chay tại chợ Long Hoa
Ẩm thực Tây Ninh nổi tiếng nhất phải kể đến món chay được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Món chay ở đây có nét rất riêng, không lẫn vào đâu được. Quán ăn chay ở đây nhiều đến nỗi trong tập tuỳ bút “Ngược xuôi bến khoái” (2020), nhà văn Lê Văn Tới viết: “Ở thành phố Tây Ninh, việc tìm một quán ăn chay ngon mà rẻ còn dễ hơn dân Sài Gòn chọn đường ít kẹt xe đến siêu thị”.
Món chay Tây Ninh.
Các món chay Tây Ninh bán ở rất nhiều con phố, nhiều chợ như chợ Long Hoa, chợ Phường 3 chợ Hiệp Lễ… Trong đó, chợ Long Hoa được xem là một “tập đại thành” các món chay phong phú không nơi đâu sánh bằng. Liên quan đến tên động vật có cá lóc kho, tôm kho tàu, mực xé, ốc len, bò viên, gà xé phay, heo qua, sườn nướng đủ cả. Liên quan đến tên thực vật lại có chao môn, mắm đậu, gỏi bồn bồn, khổ qua ram me, đậu hủ non… Các loại đã chế biến cũng bày bán khắp chợ như mì xào thập cẩm, cơm chiên dương châu, lẩu cũng không thiếu. Nên, nếu đã đến Tây Ninh mà chưa thử món chay thì cũng xem là chưa hiểu gì về vùng đất thiêng này vậy.
PV