/ Luật sư trực ban
/ Những trường hợp không được phép viết tắt

Những trường hợp không được phép viết tắt

16/02/2023 11:20 |

(LSVN) - Trong nhiều tình huống, viết tắt các Luật giúp việc ghi chép nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không cho phép viết tắt. Vậy, đó là những trường hợp nào?

Ảnh minh họa.

Không được viết tắt trong văn bản công chứng

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 1, Điều 45, Luật Công chứng 2014 nêu rõ: "Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Theo quy định nêu trên, trong các văn bản công chứng không được phép viết tắt hay viết bằng ký hiệu. Ngoài ra, thời điểm công chứng phải được ghi cả ngày, tháng, năm và có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết. Các con số phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp khác.

Di chúc không được viết tắt

Nội dung này đã được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 3, Điều 631, Bộ luật Dân sự 2015: "Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc".

Như vậy, di chúc không được viết tắt/viết bằng ký hiệu là một trong những yêu cầu bắt buộc khi lập di chúc dù dưới dạng đánh máy hay viết tay. Bên cạnh đó, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Không được viết tắt nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán

Theo Luật sư, tại khoản 3, Điều 18, Luật Kế toán 2015 quy định: "Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai chứng từ kế toán thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo vào chứng từ viết sai".

Theo quy định trên, nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, tẩy xóa, sửa chữa. Tuy nhiên, riêng với hóa đơn, Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt. Tuy nhiên, riêng với hóa đơn tại khoản 5, Điều 10, Nghị định 123/2020/NĐ-CP cho phép viết tắt trong một số trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài.

Theo đó, trường hợp trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như:

- “Phường” thành “P”;

- “Quận” thành “Q”,

- “Thành phố” thành “TP”;

- “Việt Nam” thành “VN”;

- “Cổ phần” là “CP”;

- “Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”;

- “Khu công nghiệp” thành “KCN”;

- “Sản xuất” thành “SX”;

- “Chi nhánh” thành “CN”…

Tuy nhiên, việc viết tắt phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

HOÀNG NGUYỄN

Chi phí nào được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp?

 
Nguyễn Hoàng Lâm