/ Pháp luật - Đời sống
/ Những trường hợp phải đổi thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

Những trường hợp phải đổi thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

05/03/2024 19:20 |10 tháng trước

(LSVN) - Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, những trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân (CCCD), công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng

Ảnh minh họa.

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 bao gồm nhiều quy định mới liên quan đến quản lý dân cư, cải cách hành chính. Trong đó, quan trọng là việc đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước.

Điều mà nhiều người dân quan tâm là khi Luật Căn cước có hiệu lực, CCCD gắn chip đang lưu hành có tiếp tục được sử dụng.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), CCCD cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ CCCD, các trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp CCCD; công dân đã có CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng.

Trường hợp công dân dưới 14 tuổi hay người đã có CCCD còn thời hạn sử dụng mà có nhu cầu thì được cấp thẻ căn cước.

Với người trong độ tuổi từ 0-6, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Vũ Văn Tấn cho hay, Bộ Công an đang xây dựng thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước. Theo đó, hai mẫu thẻ gồm thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và mẫu cho công dân dưới 06 tuổi (không có thông tin sinh trắc, ảnh, vân tay).

Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi phải thông qua người đại diện hợp pháp. Để thực hiện, người đại diện hợp pháp làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho con em dưới 06 tuổi qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID.

Nếu người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Ngoài ra, khoản 2, Điều 38, Luật Căn cước quy định công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Luật Căn cước quy định, khi công dân đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan chức năng thu nhận thông tin về mống mắt của người đó.

Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh, nhận dạng mống mắt giúp xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh.

Do đó, thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

Còn về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, thông tin công dân được bảo mật dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức mã hóa cao nhất. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về việc không bị lộ, lọt dữ liệu.

Còn việc thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước sẽ do cơ quan có thẩm quyền chuyển cho cơ quan quản lý căn cước, hoặc xuất phát từ sự tự nguyện của công dân.

TRẦN MINH

Tăng cường kiểm tra tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc

Nguyễn Hoàng Lâm