/ Trợ giúp pháp lý
/ Những văn bản QPPL nào được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2022

Những văn bản QPPL nào được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2022

29/11/2022 01:50 |

(LSVN) - Theo Bộ Tư pháp, trong tháng 10/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 7 Nghị định của Chính phủ và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong đó, Nghị định 71/2022/NĐ-CP bổ sung mới điều 20a về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu.

Nghị định số 72/2022/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

Trong đó quy định thủ tục và tuổi cho các thiết bị khi nhập khẩu, cụ thể: các thiết bị chế bản, tạo khuôn in, tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm; các thiết bị in công nghiệp và thiết bị gia công sau in tuổi thiết bị không vượt quá 20 năm và các máy photocopy đa màu, máy in có chức năng photocopy đa màu, tuổi thiết bị không vượt quá 03 năm và chuyển thủ tục cấp phép nhập khẩu sang thủ tục khai báo với Bộ Thông tin và Truyền thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Ngoại giao gồm 28 đơn vị, tổ chức.

Trong đó, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 03 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong đó, về đối tượng, kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP và Nghị định số 104/202020/NĐ-CP; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý theo Công văn số 12278-CV/VPTW3; được xác định tương đương Thứ trưởng tại Kết luận số 35-KL/TW4 (là nữ cán bộ, công chức giữ chức vụ, chức danh: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP đồng thời bỏ đối tượng là “Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng” quy định tại Điểm g Điều 2 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.

Về điều kiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải đáp ứng các điều kiện (1) Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; (2) Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền. Tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP không quy định nội dung này (bỏ quy định điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tại Điều 4 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP).

Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nghị định có 6 Điều với một số nội dung chính như sau: Quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (về pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu;…).

Bộ Giáo dục và Đào tạo có 20 tổ chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 3 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước.

Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ cấu tổ chức: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 28 đơn vị trực thuộc, trong đó có 23 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 05 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Quyết định số 20/2022/QĐ-TTg ngày 12/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Việc thí điểm phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo trình tự thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian, phù hợp với mô hình thí điểm theo hướng phân cấp, tăng cường trách nhiệm của UBND thành phố và cấp tỉnh trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa chủ động hơn trong công tác quản lý điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. 

Qua đó huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như từ xã hội, người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp cho phát triển, nâng cao quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương, tạo thêm cơ hội về việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.

PHƯƠNG HOA

Cảnh báo một số trang web, fanpage giả mạo cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Loan B T Thanh