Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN.
Theo báo cáo, so với cuối năm 2022, Đức đã gánh khoản nợ mới 85,8 tỷ USD, một phần do nước này vẫn đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Nợ công của Đức đã tăng 4 năm liên tiếp, bắt đầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Từ đó đến nay, Chính phủ Đức đã tạm ngừng thực hiện "phanh" nợ công - giới hạn được quy định trong Hiến pháp nhằm kiềm chế mức tăng nợ công.
Giữa tháng 11 vừa qua, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức phán quyết chính phủ đã sử dụng sai mục đích 60 tỷ euro trong các khoản vay cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng khi phân bổ số tiền này cho Quỹ Biến đổi và Khí hậu (CTF), khiến chính phủ phải cố gắng tìm giải pháp.
Năm 2024, Đức sẽ kích hoạt lại biện pháp "phanh"nợ. Thay vì phát sinh khoản nợ mới, Chính phủ Đức sẽ thực hiện tiết kiệm để thu hẹp thâm hụt ngân sách 17 tỷ euro. Các dự án chuyển đổi xanh bị ảnh hưởng nhiều vì kinh phí từ CTF sẽ giảm 12 tỷ euro chỉ riêng trong năm 2024.
Mặc dù ngân sách cho chính phủ sẽ ít hơn, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ tuân thủ kế hoạch và tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu.
Việc Chính phủ Đức cắt giảm ngân sách chi tiêu sẽ khiến người tiêu dùng nước này đối mặt với gánh nặng chi phí năng lượng cao hơn. Kế hoạch loại bỏ trợ cấp cho năng lượng tái tạo và nông nghiệp đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở Berlin. Ngày 21/12, nông dân Đức đã đưa máy kéo chặn một số đường dẫn cao tốc ở miền Đông nước này.
THÀNH NAM/TTXVN
Đề xuất quy định cấp, quản lý, sử dụng thẻ cán bộ, công chức, viên chức