Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (QLDA) - Bộ Giao thông vận tải đã cho biết, chậm nhất đến ngày 31/3/2021 là thời điểm bàn giao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) - theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Không có chuyện bàn giao từng phần dự án
Dự án đường sắt đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị; chuyên ngành thiết bị Depot đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thông số ngày 2/3/2021. Các đơn vị liên quan đang tiến hành công tác nghiệm thu công trình thành phần.
"Mặc dù còn rất nhiều việc nhưng chúng tôi có gắng bàn giao đúng tiến độ 31/3, các bên đang nỗ lực, hi vọng là ổn", lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho hay.
Đề cập tới việc có thông tin cho rằng do dự án sẽ chỉ được bàn giao từng phần mà không thể hoàn tất do vướng các thủ tục và có những khó khăn chưa giải quyết xong, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt đã bác bỏ: "Chúng tôi chưa bao giờ nói vậy. Dự án đang đi đúng hướng theo chỉ đạo của Thủ tướng và giai đoạn này là giai đoạn bàn giao toàn bộ dự án, không có chuyện bàn giao từng phần vì lí do vướng mắc", lãnh đạo Ban QLDA khẳng định.
Về những đánh giá của Tư vấn độc lập Pháp và báo cáo của Tổng thầu về dự án này, lãnh đạo Ban QLDA thông tin các bên đều có đánh giá chi tiết, tổng thể và thống nhất nghiệm thu hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Kết thúc quá trình đánh giá, phía Tư vấn Pháp nêu một lưu ý và yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc khắc phục, hoàn thiện. Hiện tại, các bên đều đang nỗ lực, nhiều phần việc thậm chí phải giải quyết từ sáng tới khuya muộn mới hoàn thành.
Khi nào Tổng thầu Trung Quốc xong việc?
Theo lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt, cho biết: Khi bàn giao dự án, Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện xong tất cả các phần việc. Sau khi kết thúc hoàn toàn việc bàn giao, đảm bảo dự án khai thác an toàn thì Tổng thầu Trung Quốc mới rời khỏi Việt Nam..
Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban QLDA, hợp đồng EPC đã ký kết nêu rõ Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện trách nhiệm bảo hành dự án trong vòng 2 năm. Khi bàn giao xong, dự án kết thúc, chủ đầu tư sẽ thanh toán 95% và giữ lại 5% chi phí dự án để ràng buộc trách nhiệm bảo hành của Tổng thầu Trung Quốc.
Về phía đơn vị tiếp nhận, quản lý và khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội cho biết quá trình bàn giao Dự án đang diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục và kế hoạch đã đặt ra. Đơn vị này cũng cho biết: Tổng thầu Trung Quốc vẫn đang duy trì vận hành 2 đoàn tàu hàng ngày để đảm bảo thuần thục các quy trình. Đội ngũ vận hành, nhân viên phục vụ khai thác tuyến cũng đã sẵn sàng khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Được biết, biên bản nghiệm thu tổng thể dự án đã được các bên thống nhất nội dung, sẽ sớm hoàn thành ký kết. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã sẵn sàng bố trí chuyên gia để kiểm tra kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Trước đó vào ngày 19/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã đi kiểm tra tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để chuẩn bị phương án tiếp nhận từ Bộ Giao thông vận tải về TP. Hà Nội vận hành khai thác.
Phó Chủ tịch đã lên chuyến tàu chạy từ ga Cát Linh (Đống Đa). Tàu chạy và dừng ở tất cả các ga như khi vận hành bình thường. Sau hơn 20 phút, tàu đã đến ga cuối Yên Nghĩa (Hà Đông).
Phó Chủ tịch khẳng định, đến nay dự án đã cơ bản đã hoàn thành, hiện là thời điểm then chốt để hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước, triển khai bằng vốn ODA nên có yếu tố mới và độ phức tạp nhất định.
Theo thiết kế kỹ thuật, ga cuối Cát Linh của dự án này sẽ được nối thông với ga S10 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, vì vậy khi cả 2 dự án được đưa vào khai thác thương mại thì người dân có thể đi tiếp vào trung tâm thành phố hoặc đi ra khu vực Cầu Giấy, Nhổn.
VŨ THỦY (t/h)