Bộ phận Ung thư E5 là một đặc thù riêng của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nhắc đến ung thư, ai cũng hiểu đây là một bệnh lý mãn tính. Khi mới đối mặt, đa số bệnh nhân đều có cảm giác sợ hãi, giống như có một bản án tử hình đang chờ sẵn. Ai cũng sợ hành trình tiếp theo đó sẽ là một chuỗi những tháng ngày đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, tốn kém về tiền bạc… Họ sợ tới bệnh viện, sợ nhìn thấy những người giống mình, mặc những chiếc áo bệnh nhân. Nhưng có một điều tối quan trọng giúp bệnh nhân đối mặt căn bệnh một cách xuất sắc, đó là tinh thần. Ở Bộ phận Ung thư E5, bệnh nhân được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc như những người thân trong gia đình. Sự quan tâm khiến người bệnh lạc quan và chính thái độ sống tích cực trở thành “thần dược”, giúp họ vượt qua nghịch cảnh.
Quay ngược thời gian về 3 năm trước, Bộ phận Ung thư mới thành lập còn nhiều khó khăn. Với tinh thần không ngừng nghỉ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức cũng như đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại hàng đầu. Đến nay, Bộ phận Ung thư đã vững mạnh, là nơi được đặt trọn niềm tin của nhiều bệnh nhân và gia đình. Nhưng điều quan trọng trong quá trình điều trị ung thư, bên cạnh phác đồ điều trị còn là tinh thần của người bệnh. Hằng ngày, bộ phận tiếp nhận hàng trăm ca khám và điều trị với quy trình bài bản, khoa học, nhanh chóng và hiệu quả. Bệnh nhân tìm đến Bộ phận Ung thư của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không chỉ vì bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm mà còn bởi sự thấu hiểu, đồng cảm, ân cần chăm sóc của những điều dưỡng làm việc nơi đây. Tất cả tạo nên một môi trường thân thiện, tạo dựng sự tin tưởng và hài lòng cho người bệnh.
Sau những giây phút căng thẳng tập trung với những ca mổ phức tạp, bất kể có chút thời gian nghỉ ngơi nào, bác sĩ và điều dưỡng tại khoa đều dành cho việc hỏi thăm người bệnh để kịp thời nắm bắt những diễn biến về tình trạng bệnh cũng như tâm lý bệnh nhân. Bệnh nhân điều trị tại khoa tâm sự, mọi vấn đề chuyên môn đều có bác sĩ giải đáp tận tình nhưng ngoài ra, họ còn được điều dưỡng lắng nghe, san sẻ những lo lắng vụn vặt như về về gia đình, con cái hay những chuyện thầm kín mà không biết chia sẻ cùng ai.
Mỗi buổi sáng, các điều dưỡng bắt đầu bằng việc thăm hỏi việc điều trị, ăn uống, sinh hoạt,... của bệnh nhân. Với từng bệnh nhân, điều dưỡng đều trò chuyện thân mật như những người thân trong gia đình. Đôi khi, vài câu đùa cũng khiến cả phòng rôm rả, đầy ắp tiếng cười. Công việc của họ không chỉ là đảm bảo chuyên môn mà còn là ‘người đồng hành’ gần gũi, lắng nghe tâm tư của người bệnh. Bệnh nhân điều trị tại khoa có nhiều đối tượng, già có, trẻ có, người thì khối u mới chớm, người đã ở giai đoạn tương đối nặng. Tại đây giống như một gia đình, các thành viên quan tâm chăm sóc nhau, các chị trở thành người bạn, người con lắng nghe tất cả nỗi lo, từ những tâm sự nhỏ bé nhất, giúp họ biến nỗi lo ấy thành sức mạnh chống lại bệnh tật.
Bộ phận Ung thư của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng luôn tận tâm với người bệnh. Đơn cử trong đó có điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung, Bộ phận Ung thư E5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Là một trong những điều dưỡng đã có nhiều năm công tác tại Bệnh viện, từng có thời gian gắn bó với Khoa Phụ A5, công việc hiện tại tại Bộ phận Ung thư E5 lại cho chị Nhung những cảm xúc rất riêng. Chị kể, có một bác gái hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo người, đã tuyệt thực và không muốn điều trị. Lúc ấy, chị đã đến bên cạnh để lắng nghe, khuyên giải giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, vui vẻ và tích cực hơn. “Bác chẳng thiết tha ăn uống khiến không chỉ người nhà mà bác sĩ và nhân viên y tế không khỏi xót xa. Nhưng bây giờ bác tích cực lắm, thậm chí còn vui vẻ động viên những bệnh nhân mới vào nữa”, chị chia sẻ.
Chia sẻ thêm về các trường hợp điều trị tại khoa, chị Nhung cho biết, trong khi các bác lớn tuổi thường sợ sẽ trở thành gánh nặng của con cái thì những người trẻ lại hoang mang vì cuộc đời mới mở ra dường như đã bị đóng lại. Ai đã làm mẹ thì thương con còn nhỏ, lo công việc gia đình thiếu vắng người chăm sóc. Một năm trước, có một bệnh nhân nhập khoa điều trị ung thư cổ tử cung. Sau khi được bác sĩ động viên, giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh cũng như lộ trình điều trị sắp tới, khuôn mặt chị ấy vẫn lộ rõ vẻ suy tư. Lắng nghe chị trải lòng, điều dưỡng Nhung mới hay hôm ấy là sinh nhật con trai của chị. Bản thân cũng là một người mẹ, chị Nhung rất hiểu tâm tư tình cảm của bệnh nhân. Vậy là lần đó, bé không chỉ nhận được lời chúc sinh nhật từ người thân trong gia đình mà còn có lời chúc từ cô điều dưỡng và các bác, các cô cùng phòng bệnh với mẹ. Ngày bệnh nhân xuất viện, chị Nhung được nhận một lá thư viết tay. Bên cạnh những dòng tâm thư chứa đựng sự cảm kích, còn có một dòng chữ nguệch ngoạc: “Cảm ơn cô vì đã chăm sóc mẹ con ạ".
Có lẽ công việc đã cho chị Nhung một tâm niệm. Ung thư không phải là chấm hết, càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải lan toả sự ấm áp của tình người. Rất nhiều bệnh nhân sau khi ra viện đều thốt lên một câu: “Biết vậy, tôi đã vào đây điều trị từ lâu rồi”.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung chăm sóc bệnh nhân.
Chống lại ung thư là một quá trình chiến đấu dài hơi của cả người bệnh, bác sĩ và điều dưỡng tại khoa. Họ vẫn ngày đêm cần mẫn làm công việc của mình bởi chỉ cần nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân và gia đình đã là sự đền đáp xứng đáng nhất. Có thể nói, những nhân viên y tế như điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung thực sự là những tấm gương đẹp.
PV