Vừa qua, câu chuyện nữ nhân viên y tế dùng một que tăm bông lấy mẫu test Covid-19 cho nhiều người cùng lúc tại Hậu Lộc, Thanh Hóa đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.
Được biết, trước đó, tại Hậu Lộc xảy ra ổ dịch, ngành Y tế đã khẩn trương truy vết, xét nghiệm, triển khai test nhanh tầm soát cho toàn bộ người dân trên địa bàn thị trấn.
Tuy nhiên, vào thời điểm trên, nữ nhân viên này được phân công lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở khu Trung Thành nhưng chỉ sử dụng một que tăm bông ngoáy mũi cho 4-5 trường hợp tại đây khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng.
Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc đã nhanh chóng đến tận nơi, yêu cầu nữ nhân viên này hủy toàn bộ các mẫu xét nghiệm thực hiện sai quy trình, đồng thời chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại cho người dân theo đúng quy định.
Nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng nhưng lại được điều chuyển sang làm nhân viên chuyên môn, hợp lý hay không?
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo của Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc cho biết, nữ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm trên là nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng được phân công lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở khu Trung Thành (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, nữ nhân viên trên dù được tập huấn rồi nhưng do cô này hiểu sai vấn đề nên đã "làm nhầm một số mẫu"?!
Dư luận vô cùng hoang mang và bức xúc trước thông tin trên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh về vấn đề việc nữ nhân viên này là nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng nhưng lại được điều chuyển sang làm nhân viên chuyên môn thì liệu có hợp lý hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, việc nữ nhân viên này là nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng nhưng lại được điều chuyển sang làm nhân viên chuyên môn do quyết định của Thủ trưởng Cơ quan, do quá trình chống dịch cấp bách cần huy động tổng lực nhân sự của cơ sở y tế tham gia, nhưng trước khi tham gia chống dịch phải được tập huấn trang bị bổ sung đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân viên và nhân viên chỉ thực hiện những can thiệp bên ngoài bệnh nhân.
Còn nếu phía cơ sở y tế Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) điều chuyển nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng sang làm nhân viên chuyên môn nhưng bỏ qua việc tập huấn trang bị bổ sung đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế ở các bộ phận khác tham gia phòng chống dịch Covid-19, thì tập thể và cá nhân ký quyết định điều chuyển sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm nếu để sai phạm và có hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Luật sư Khuyên căn cứ khoản 10, Điều 6 Luật Khám, chữa bệnh (2009) quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “10. Vi phạm quyền của người bệnh; Không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh”.
Tại Điều 73. Xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật “1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định đã có một trong các hành vi sau đây: a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; c) Xâm phạm quyền của người bệnh”.
Theo đó, đối chiếu với quy định tại Luật Khám, chữa bệnh (2009) hành vi của nhân viên y tế nêu trên đã vi phạm nghêm trọng quy định về chuyên môn và đạo đức ngành y nên việc bị đình chỉ công tác là đúng quy định. Tuy nhiên, Luật sư cho hay, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét đến trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan người có quyết định điều chuyển nhân viên từ vị trí Thủ kho sang làm nhân viên chuyên môn để sai phạm chuyên môn xảy ra và trách nhiệm giám sát của tập thể tham gia công tác lấy mẫu test nhanh Covid-19 ngày hôm đó, các cá nhân và tập thể sai phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị kỷ luật theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính Phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 6, Nghị định quy định “các hành vi bị xử lý kỷ luật” gồm: “Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật”.
Xử lý thế nào?
Các Luật sư đều cho rằng, để xem xét chế tài xử lý tiếp theo ngoài hình thức kỷ luật, đối với nhân viên y tế nêu trên thì Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), cơ quan chức năng sẽ đánh giá động cơ, mục đích của người này.
Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, nếu hành vi vi phạm là cố ý hoặc có hậu quả xảy ra thì rất có thể người này sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 về một trong các tội danh như: tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 139); tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” (Điều 240); tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” (Điều 295).
Đồng quan điểm, theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VPLS Trung Hòa, căn cứ theo Quy định tại điểm 1.10 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật Hình sự 2015.
“Chưa đề cập tới khía cạnh vi phạm pháp luật, việc nữ nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã sử dụng một que tăm bông cùng lúc ngoáy mũi lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho nhiều người, chỉ xét về khía cạnh đạo đức và chuyên môn thì hành vi này của nữa nhân viên y tế đã không thể chấp nhận được, dù cố ý hay vô ý thì đây là một hành vi đáng bị lên án. Nhà văn Nam Cao từng có câu: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Bởi vậy tôi cho rằng, Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm trên của nhân viên y tế này. Đồng thời, chỉnh đốn ngay những đơn vị y tế, những đội ngũ tham gia công tác chống dịch để tránh trường hợp tương tự xảy ra. Cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá hành vi của nhân viên y tế này là do cố ý hay vô ý, động cơ, mục đích ra sao, nhận thức và hiểu biết thế nào, đã có những hậu quả nào xảy ra để áp dụng chế tài xử lý phù hợp”, Luật sư bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vụ việc, ngày 25/11, trao đổi với báo chí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Khoản cho biết, đơn vị đang chuẩn bị xét kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Xuyến (Sinh năm 1985), là nhân viên Thủ kho - Khoa cận lâm sàng do sai sót về chuyên môn nghiệp vụ trong lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 (Bà Xuyến là nữ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm nêu trên). Trước đó, hồi tháng 2/2021, bà Xuyến cũng đã từng bị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách do "Vi phạm bảo quản, vận chuyển vaccine". |
TRẦN MINH