/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Ông Trịnh Văn Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros ngay sau khi Công ty sáp nhập

Ông Trịnh Văn Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros ngay sau khi Công ty sáp nhập

05/01/2021 18:01 |

(LSO) - Hai công ty liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết là GAB và FLC Faros đã thông qua chủ trương sáp nhập trong bối cảnh giá cổ phiếu chênh nhau hơn 130.000 đồng. Ngay sau khi doanh nghiệp thông qua chủ trương sáp nhập, Chủ tịch HĐQT FLC Faros Trịnh Văn Quyết từ nhiệm.

Ông Trịnh Văn Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros

Công ty sáp nhập khi vốn hóa giảm hơn 40 lần

Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (mã cổ phiếu GAB) vừa thông qua chủ trương nghiên cứu, lập phương án sáp nhập Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã cổ phiếu ROS).

Ban tổng giám đốc GAB sẽ tổ chức thẩm định giá, lập phương án chi tiết về việc nhận sáp nhập FLC Faros, đàm phán với các bên liên quan để chuẩn bị dự thảo Hợp đồng sáp nhập và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan báo cáo HĐQT trình đại hội cổ đông phê duyệt.

Cả hai doanh nghiệp này đều liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết hiện là cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối tại FLC Faros với 51% cổ phần. Tại GAB, ông Quyết sở hữu 8% vốn và tập đoàn FLC đồng thời nắm 9% cổ phần.

FLC Faros niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 9/2016 với mã cổ phiếu ROS. Từ mức giá 10.000 đồng, ROS nhanh chóng tăng mạnh và lên đỉnh 178.000 đồng/cổ phiếu vào cuối 2017. Khi đó, ông Trịnh Văn Quyết gia nhập nhóm những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Nhưng từ đó, giá ROS bắt đầu đi xuống dần và hiện chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này hiện vẫn nằm trong rổ VN30.

Cổ phiếu ROS lao dốc sau khi chạm đỉnh cuối năm 2017. Ảnh: VNDS.

So với mức đỉnh, cổ phiếu này đã mất 98% giá trị sau 2,5 năm. Từ một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 90.000 tỉ đồng, định giá của FLC Faros trên sàn chứng khoán hiện chỉ còn hơn 2.200 tỉ đồng.

Trong giai đoạn giá cổ phiếu FLC Faros đi xuống, ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra 91 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp từ 67% xuống 51% chỉ trong 3 tháng cuối năm 2019.

Trong khi đó, GAB mới niêm yết trên sàn TP.HCM từ tháng 7/2019 với giá 14.400 đồng/cổ phiếu. Giao dịch của mã này không biến động nhiều trong 6 tháng đầu tiên nhưng bắt đầu tăng phi mã từ tháng 12/2019.

Sau 3 tháng, giá cổ phiếu GAB leo thẳng một mạch từ hơn 10.000 đồng lên hơn 140.000 đồng và hiện vẫn duy trì được vùng giá này dù vừa trải qua nhiều nhịp giảm điểm.

Cổ phiếu GAB tăng phi mã trong hơn 3 tháng qua. Ảnh: VNDS.

Đáng chú ý, trước đó, một doanh nghiệp họ FLC là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã cổ phiếu AMD) cũng thông qua chủ trương sáp nhập vào GAB. Thị giá của AMD hiện tại cũng rất thấp tương tự ROS, chỉ 2.980 đồng/cổ phiếu.

Quy mô hiện tại của các công ty này rất chênh lệch. Vốn điều lệ của GAB là 138 tỉ đồng, của AMD là 1.635 tỉ đồng còn của FLC Faros là 5.676 tỉ đồng. Năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAB là 188 tỉ và 17 tỉ đồng. Trong khi đó, FLC Faros đạt doanh thu 4.840 tỉ và báo lãi ròng 178 tỉ đồng.

Hồi tháng 2, GAB đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường để tái cấu trúc lại hoạt động của công ty, mở rộng kinh doanh từ sản xuất vật liệu xây dựng sang các lĩnh vực mới gồm quản lý tài sản, du lịch - nghỉ dưỡng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản, năng lượng tái tạo, vận tải hành khách, hàng hóa hàng không.

Ông Trịnh Văn Quyết từ chức chủ tịch FLC Faros

HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros đã miễn nhiệm chức vụ chủ tịch của ông Trịnh Văn Quyết từ 7/4 sau khi tiếp nhận đơn đề nghị xin thôi giữ chức và chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của ông.

Việc miễn nhiệm chính thức vị trí thành viên HĐQT FLC Faros với ông Quyết sẽ được trình đại hội cổ đông gần nhất của công ty.

Người thay thế ông Quyết ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT FLC Faros là ông Nguyễn Thiện Phú, tổng giám đốc công ty. Ông Phú sinh năm 1974, làm CEO FLC Faros từ tháng 6/2019. Ông cũng đang giữ chức phó tổng giám đốc tập đoàn FLC.

Thanh Loan (T/h)

/bamboo-airway-huy-chuyen-bay-do-ty-phu-pham-nhat-vuong-tai-tro-dua-kieu-bao-viet-nam-tai-ukraine-ve-nuoc-giua-dich-covid-19.html