/ Nhìn ra thế giới
/ Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường

Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường

07/11/2023 16:04 |

(LSVN) - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Kể từ 00h00 ngày 07/11/2023, thủ tục đưa nước Nga rút khỏi CFE... đã hoàn tất. Như vậy, văn bản pháp lý quốc tế cuối cùng đã đi vào lịch sử đối với chúng tôi".

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Thủ đô Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở Châu Âu (CFE) từ ngày 07/11.

Thông cáo đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Kể từ 00h00 ngày 07/11/2023 (4h cùng ngày theo giờ Việt Nam), thủ tục đưa nước Nga rút khỏi CFE, mà chúng tôi đình chỉ vào năm 2007, đã hoàn tất. Như vậy, văn bản pháp lý quốc tế cuối cùng đã đi vào lịch sử đối với chúng tôi”.

Thông cáo khẳng định Nga hiện không nhận thấy khả năng ký kết thỏa thuận kiểm soát vũ khí với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hai thỏa thuận khác liên quan đến CFE đã không còn hiệu lực đối với Nga gồm: Bản Ghi nhớ Budapest ngày 03/11/1990, quy định số lượng tối đa của các loại vũ khí và thiết bị thông thường đối sáu quốc gia thành viên Hiệp ước Vacsava; và Thỏa thuận “Sườn” ngày 31/5/1996 điều chỉnh hiệp ước ban đầu.

CFE - ban đầu được ký kết vào năm 1990 giữa các thành viên NATO và sáu quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Vacsava vào thời điểm đó - có hiệu lực từ năm 1992.

Hiệp ước này nhằm mục đích thiết lập trạng thái cân bằng giữa hai liên minh quân sự thông qua quy định đặt ra các mức giới hạn về số lượng vũ khí và thiết bị quân sự mà tất cả các bên được phép tích lũy.

Trả lời phỏng vấn báo Parlamentskaya Gezeta hồi giữa tháng Năm vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố Hiệp ước CFE đã đi ngược lại với những lợi ích an ninh của Nga trong bối cảnh diễn biến thế giới hiện nay.

Theo ông Ryabkov, Hiệp ước CFE đã gặp vấn đề trong nhiều năm, do đó việc Nga rút khỏi hiệp ước này không thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông cho biết thêm tình hình hiện tại cũng không thuận lợi để đưa ra những ý tưởng mới cho một giải pháp thay thế cho Hiệp ước CFE.

Theo TTXVN

Liên minh Lao động Nhật Bản xem xét yêu cầu tăng lương 6% trong 2024

Nguyễn Hoàng Lâm