Ảnh minh họa.
Chiều 15/11, tại buổi Họp báo sau kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đã trao đổi với báo chí liên quan tới vấn đề tự chủ bệnh viện vừa qua.
Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các bộ ngành có liên quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật.
Các ý kiến cơ bản đồng thuận với nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa được thống nhất khi phát biểu về cơ chế tài chính của bệnh viện. Vấn đề tự chủ bệnh viện là vấn đề mới phát sinh trong kỳ họp này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội cần có thời gian nghiên cứu và xin trình lại sau Kỳ họp thứ 4.
Liên quan đến cơ chế tài chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, có 04 vấn đề lớn, bao gồm việc tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế xã hội hóa nguồn lực khám bệnh chữa bệnh; tự chủ bệnh viện và những quy định dùng ngân sách Nhà nước chi hoạt động khám bệnh chữa bệnh. Đồng thời, ông cũng cho biết, đây đều là những vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu.
Về tự chủ bệnh viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hiện nay có 02 đơn vị xung phong tự chủ bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng sau đó không tự chủ được.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân khiến 02 bệnh viện này không thể tự chủ được nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, khiến nguồn tài chính của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, quan trọng là cơ chế và điều luật có liên quan trong vấn đề tự chủ bệnh viện, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng luật Quốc hội, Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tới cũng đặt vấn đề phải rà soát cơ chế chính sách quy định vấn đề tự chủ bệnh viện. Sau đó đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Liên quan đến vấn đề tự chủ bệnh viện, trước đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh 06 giải pháp để các bệnh viện sớm ổn định những khó khăn hiện nay, từ đó phát triển bền vững hơn với cơ chế tự chủ tài chính.
Thứ nhất, kiến nghị thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi, giúp cho nhân viên y tế an tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch Covid-19.
Thứ hai, kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Thứ ba, kiến nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện (như bãi giữ xe, căng tin…), bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này (bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện).
Thứ tư, kiến nghị thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.
Thứ năm, kiến nghị thành phố thành lập hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện.
Thứ 6, kiến nghị thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện.
QUÝ VŨ