Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.
Theo đó, Công điện số 140/CĐ-TTg nêu rõ, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.
Các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành nhiệm vụ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 03/01/2025.
Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000km đường cao tốc vào cuối năm 2030.
Xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen; kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bộ Công thương, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, làm cho sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trình Chính phủ trước ngày 5/1/2025; xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá" để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...