/ Nhìn ra thế giới
/ Phản ứng của Mỹ trước Luật Phản gián của Trung Quốc

Phản ứng của Mỹ trước Luật Phản gián của Trung Quốc

10/05/2023 13:41 |

(LSVN) - Mới đây Trung Quốc tiến hành sửa đổi Luật Phản gián. Trước động thái này, Mỹ bày tỏ băn khoăn hoạt động kinh doanh và nghiên cứu của mình tại Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

Cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Twitter.

Trung Quốc sửa đổi luật chống gián điệp

Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc vào ngày 26/4 thông qua nội dung sửa đổi nhằm củng cố luật phản gián của nước này. Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7.

Theo định nghĩa của luật mới này, danh sách đối tượng vi phạm được mở rộng từ những người “gia nhập hoặc chấp nhận các nhiệm vụ của một tổ chức gián điệp” đến những người “ẩn náu trong đó”. Nội dung vi phạm cũng được mở rộng từ “bí mật và thông tin tình báo Nhà nước” sang “các tài liệu, dữ liệu, văn bản và những thứ khác có liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”.

Đại sứ Mỹ lo ngại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc mới đây đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ Bộ Luật Phản gián mới được sửa đổi của nước này. Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, luật này có thể khiến một số nhiệm vụ thông thường của doanh nhân, học giả và nhà báo Mỹ ở Trung Quốc trở nên không còn hợp pháp nữa.

Đại sứ Mỹ Nicholas Burns phát biểu trong một hội thảo qua internet do Trung tâm Stimson tổ chức: “Chúng tôi cần biết thêm về luật này, nên chúng tôi đang đặt ra những câu hỏi tại đây ở Bắc Kinh”.

Ông Burns cho biết, các hãng của Mỹ phải tiến hàng công việc thẩm tra trước khi đồng ý ký các thỏa thuận đầu tư lớn. Họ cũng cần tiếp cận đầy đủ dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra dự báo.

Ngoài ra, nhà ngoại giao Mỹ cho biết thêm, ông cũng e ngại hoạt động hàn lâm của Mỹ có thể bị ảnh hưởng.

Đại sứ Burns cho biết tiếp: “Chúng tôi đã trình bày các mối quan ngại đó. Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Mỹ không nên gặp các trở ngại tương tự”.

Ông Burns bày tỏ hy vọng của Mỹ là các doanh nhân và nhà nghiên cứu của nước này sẽ cảm thấy an tâm trong thời gian làm nhiệm vụ ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Mao Ninh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào cuối tháng 4 nói như sau: “Công ty của tất cả các nước được hoan nghênh tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại ở Trung Quốc. Chúng tôi cam kết nuôi dưỡng một môi trường kinh doanh hướng tới thị trường, dựa trên luật pháp và mang đẳng cấp thế giới. Trung Quốc là đất nước pháp quyền. Tất cả các công ty ở Trung Quốc phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”.

Chia sẻ của giới doanh nhân Mỹ

Trong một thông cáo vào ngày 28/4, Phòng Thương mại Mỹ cho rằng việc sửa đổi Luật Phản gián của Trung Quốc “gây quan ngại cho cộng đồng các nhà đầu tư và có thể cũng cho cả các đối tác thương mại địa phương ở Trung Quốc”.

Thông cáo của Phòng Thương mại Mỹ có đoạn: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao việc tăng cường giám sát chi tiết các dịch vụ chuyên nghiệp và hãng thẩm tra của Mỹ ở Trung Quốc. Các dịch vụ, các hãng này đóng vai trò căn bản trong việc thiết lập niềm tin của nhà đầu tư vào bất cứ thị trường nào, bao gồm cả Trung Quốc”.

TRUNG HIẾU/VOV

Chính quyền, quốc hội Mỹ tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ

Nguyễn Hoàng Lâm