Theo truyền thông Australia, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ mới đây, Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran cho biết, tiếp sau Italy, nước này cũng có thể có hành động tương tự là không cấp phép cho công ty dược phẩm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sang Australia. Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran khẳng định, “nước Pháp càng được nhận nhiều vaccine thì ông càng hạnh phúc”.
Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Italy là quốc gia Châu Âu đầu tiên không cho phép công ty dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu 250.000 liều vaccine từ một nhà máy của công ty này tại Italy sang Australia do tình hình dịch bệnh tại Australia không quá nghiêm trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Mario cho biết, quyết định của Italy không nhằm vào Australia mà được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu và khu vực này đang thiếu vaccine trầm trọng.
Mặc dù coi quyết định của Italy là đáng tiếc song quyết định này không ảnh hưởng tới kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Australia do nước này có thể tự sản xuất và cung cấp 50 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Dự kiến lô vaccine đầu tiên sản xuất ở trong nước sẽ được cung cấp cho người dân vào cuối tháng này.
Bên cạnh đó, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Australia dường như đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Theo số liệu thống kê, trong tuần đầu, số người đi tiêm chỉ hơn 71.000 người, thấp hơn gần 9.000 người so với kế hoạch đề ra. Do dịch bệnh đang được kiểm soát tốt tại Australia nên người dân nước này chưa cảm thấy thật sự cần thiết phải sớm đi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy vậy nếu người dân vẫn tiếp tục lừng chừng không đi tiêm thì sẽ làm cho tỷ lệ tiêm chủng thấp và sẽ khiến cho Australia khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó kéo theo các hoạt động kinh tế chưa thể sớm quay trở lại như giai đoạn trước đại dịch.
VIỆT NGA/VOV
Séc chỉ nhập khẩu vaccine đã được EU hoặc Bộ Y tế Séc chấp thuận