Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp Marine Le Pen (trái) phát biểu tại Paris, ngày 09/6/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN.
Ngày 09/7, Văn phòng công tố Paris (Pháp) thông báo đang tiến hành điều tra liên quan đến tài chính tranh cử của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022.
Cuộc điều tra được bắt đầu từ ngày 2/7 để xem xét các cáo buộc biển thủ, gian lận, giả mạo chữ ký, và liệu có phải là ứng cử viên này đã nhận một khoản vay trong chiến dịch tranh cử hay không.
Từ năm 2023, Ủy ban quốc gia phụ trách giám sát tài chính tranh cử (CNCCFP) đã thông báo với Văn phòng công tố Paris về việc này.
Bà Le Pen - lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia (RN), đã đầu tư khoảng 11,5 triệu euro (12,4 triệu USD) trong cuộc chạy đua lần thứ 3 vào Điện Elysee vào năm 2022.
Đó cũng là lần thứ hai, bà đối đầu với Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng bầu cử thứ 2 và thất bại.
Tháng 12/2022, CNCCFP đã phản đối các khoản chi phí liên quan đến việc dán và dỡ bỏ tài liệu vận động tranh cử trên 12 chiếc xe buýt, mô tả đây là khoản chi "bất thường".
Lãnh đạo RN đã kháng cáo và vụ án đã bị hủy bỏ.
Trong chiến dịch tranh cử lần đầu của bà Le Pen vào năm 2017, Ủy ban trên cũng đã bác bỏ khoản chi 873.576 euro, hầu hết là một khoản vay từ đảng Mặt trận Dân tộc (FN, tiền thân của RN). Bà Le Pen đã không kháng cáo.
Từ ngày 30/9 tới, một Tòa án ở Pháp sẽ xét xử bà Le Pen, người vừa tái đắc cử vào Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 07/7, cùng 24 Nghị sĩ khác và đảng của bà liên quan đến các cáo buộc biển thủ quỹ Liên minh châu Âu (EU) để trả lương cho các trợ lý của các Nghị sĩ châu Âu trong thời gian từ năm 2004-2016.
BÍCH LIÊN/TTXVN
Bộ Tư pháp Mỹ và hãng Boeing đạt được thỏa thuận dàn xếp sự cố máy bay 737 MAX