(LSVN) - Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị đánh tử vong, vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác"; bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái bị truy tố về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm". Theo đó, Hội đồng xét xử đã ra Quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung, làm rõ, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu từ Luật sư. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, việc Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là cần thiết và đúng quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong quá trình xét xử thì Hội đồng xét xử cũng có thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu như còn thiếu những chứng cứ quan trọng để buộc tội, gỡ tội hoặc có những tình tiết quan trọng không thể làm sáng tỏ được tại phiên tòa.
Quy trình tố tụng sẽ diễn ra theo thứ tự là điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình hoạt động các thủ tục tố tụng này thì Viện Kiểm sát có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cũng có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung. Căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung và thủ tục điều tra bổ sung được Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể.
Về căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung và thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hiện nay được quy định tại Điều 280, Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
- Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;
- Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
- Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết có liên quan đến việc buộc tội, xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội và đặc biệt là xác định cho đúng tội danh đối với bị cáo.
Pháp luật có quy định, trong trường hợp Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm thì có thể tiếp tục đưa hồ sơ trở lại cho Tòa án để xét xử. Quy định pháp luật về giới hạn xét xử thì Tòa án không được xét xử với tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố.
Việc điều tra bổ sung có được thực hiện hay không, không chỉ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử mà còn phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cùng cấp.
Trong vụ án này, dư luận rất quan tâm và mọi người mong muốn vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xem xét và xử lý nghiêm minh để bảo vệ trẻ em, đảm bảo công bằng, bình đẳng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
TIẾN HƯNG
Vụ bé gái 8 tuổi bị đánh tử vong: Luật sư hi vọng một phiên tòa đúng người, đúng tội, đúng pháp luật