Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS cho biết, truy nã là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu. Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự, nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẫn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình.
Theo đó, truy nã bị can được quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
“1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có). Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai. Và đối tượng bị truy nã quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã do Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao ban hành.”
Bên cạnh đó, những đối tượng bị truy nã được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC gồm: (i) Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; (ii) Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; (iii) Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; (iv) Người bị kết án tử hình bỏ trốn; (v) Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Như vậy, công dân nhận được lệnh truy nã chỉ khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 231 Bộ luật tố Tụng hình sự năm 2015 và Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC.
PV