/ Luật sư trực ban
/ Pháp luật quy định như thế nào về việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện?

Pháp luật quy định như thế nào về việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện?

20/12/2021 14:40 |

(LSVN) - Hiện nay, việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện được quy định như thế nào? Bạn đọc N.M. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:

“1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly;

2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.”.

Đồng thời, tại  Điều 11 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cần phải đảm bảo các điều kiện như:

“a) Được thiết lập ở vị trí ít người qua lại. Trường hợp dùng để cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc một số bệnh thuộc nhóm B phải có phòng đệm trước khi vào phòng cách ly;

b) Cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài. Trường hợp không có phòng cách ly áp lực âm phải đặt phòng cách ly ở cuối chiều gió và mở hai cửa sổ để bảo đảm thông khí;

c) Có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì việc cách ly y tế với người nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện phải đảm bảo các điều kiện như: được thiết lập ở vị trí ít người qua lại; cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài; có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải,...

Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Hành vi “cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối tổ chức vi phạm thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nếu hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế mà làm lây lan dịch bệnh thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 12 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó, các cơ sở y tế cũng cần phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật để tránh sai sót, đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

DUY ANH

Doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô qua cảng Nghi Sơn từ ngày 24/01/2022

Lê Minh Hoàng