/ Luật sư trực ban
/ Pháp luật quy định thế nào về tội 'Vi phạm quản lý đất đai'

Pháp luật quy định thế nào về tội 'Vi phạm quản lý đất đai'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi vi phạm về quản lý đất đai làm xâm phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai của Nhà nước, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tới tài nguyên đất cũng như trật tự an ninh xã hội. Vậy, vi phạm quản lý đất đai cụ thể là gì? Mức phạt tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" ra sao?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sỏ hữu và thống nhất quản lý. Do đó, chủ thể thực hiện hành vi phạm quản lý đất đai là những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý đất đai.

Theo đó, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý đất đai, có thể thấy các hành vi vi phạm quản lý đất đai gồm:

- Giao đất trái thẩm quyền quy định;

- Thu hồi đất đai trái luật: Thu hồi đất đã giao cho người dân thuê, nhưng khi chưa hết thời hạn thuê đã thu hồi mà không tuân thủ quy định của Luật Đất đai;…

- Cho thuê đất trái pháp luật: Cho thuê đất không đúng đối tượng, mục đích…

- Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật: Cho phép chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở trái pháp luật…

Tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" bị xử lý thế nào?

Tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" hiện nay được quy định tại Điều 229, Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, cho thuê, thu hồi, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai":

- Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 - đến dưới 30.000m2;

- Đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng có diện tích từ 10.000 - dưới 50.000m2;

- Đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 - dưới 40.000m2;

- Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500 triệu - dưới 02 tỉ đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 01 - dưới 05 tỉ đồng đối với đất phi nông nghiệp;

- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo đó, có 04 khung hình phạt chính áp dụng với Tội này như sau:

- Khung 01:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

- Khung 02:

Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 m2 - dưới 70.000 m2;

+ Đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000m2 - dưới 100.000m2;

+ Đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000m2 - dưới 80.000m2;

+ Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 02 - dưới 07 tỉ đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 05 - dưới 15 tỉ đồng đối với đất phi nông nghiệp;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Khung 03:

Phạt tù từ 05 - 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Đất trồng lúa có diện tích 70.000 m2 trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 m2 trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000m2 trở lên;

+ Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 07 tỉ đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15 tỉ đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10 - 150 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

QUÝ NGUYỄN

Điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức mới nhất

Lê Minh Hoàng