/ Tin thế giới
/ Pháp vận động EU trừng phạt Australia vì vụ phá bỏ hợp đồng tàu ngầm

Pháp vận động EU trừng phạt Australia vì vụ phá bỏ hợp đồng tàu ngầm

21/09/2021 03:38 |

(LSVN) - Pháp đang vận động các đồng minh Châu Âu nhằm trì hoãn các đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu – EU và Australia, động thái được xem là trừng phạt đối với vụ việc Australia hủy bỏ hợp đồng đóng 12 tàu ngầm đã ký.

Xưởng đóng tàu ngầm của Tập đoàn Naval Group tại miền Bắc nước Pháp. Ảnh: Le Monde.​​​

Trước các căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ và Australia sau sự kiện liên minh quân sự Aukus ra đời và Australia hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm đã ký với Pháp năm 2016, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu – EU đã quyết định tiến hành cuộc họp đột xuất bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York trong tối ngày 20/9, theo giờ địa phương tại Mỹ.

Theo các thông tin chính thức do người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu đưa ra, trọng tâm cuộc họp là bàn thảo về quan hệ thương mại giữa EU và Australia sau sự kiện tàu ngầm, cũng như các tác động của sự kiện này đến lịch trình đàm phán thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên.

Tuy nhiên, báo chí Châu Âu dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết, các thảo luận thực sự sẽ liên quan đến đề nghị của Pháp về việc tạm ngưng các đàm phán với Australia. Đây được xem như là động thái trừng phạt trả đũa của Pháp đối với Australia sau khi Australia hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm tổng trị giá đến 56 tỉ euro với Pháp.

Hiện tại, EU và Australia đã tiến hành 11 vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do và vòng đàm phán thứ 12 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2021 nhưng với các căng thẳng ngoại giao hiện nay, khả năng trì hoãn các đàm phán sắp tới là tương đối lớn.

Về phía Châu Âu, sau nhiều ngày im lặng trước căng thẳng ngoại giao giữa Pháp với Mỹ, Australia và Anh, các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu bắt đầu lên tiếng ủng hộ Pháp. Phát biểu trên CNN trong ngày 20/09, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố cách mà nước Pháp bị đối xử là “không thể chấp nhận được”.

“Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời. Một trong các quốc gia thành viên của chúng tôi đã bị đối xử một cách không thể chấp nhận được. Vì thế, chúng tôi muốn biết điều gì đã xảy ra và tại sao. Do đó, trước hết là cần phải làm sáng tỏ những điều này trước khi tiến hành mọi việc bình thường như trước”, bà Ursula von der Leyen nói.

Ngoài bà Ursula von der Leyen, một quan chức cấp cao khác của EU là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel trong ngày 20/9 cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ thiếu thành thật với các đồng minh và yêu cầu chính quyền Mỹ làm sáng tỏ những ý định thực sự của việc thiết lập liên minh Aukus. Phát biểu với báo chí bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Charles Michel cho biết động thái của Mỹ là “không hiểu nổi”.

Trong lúc này, phía Pháp vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Báo chí Pháp cho biết mặc dù Pháp đã đồng ý tổ chức cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đề nghị của phía Mỹ nhưng chưa ấn định thời gian. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng đã thực hiện chuyến thăm đến Mali, đồng nghĩa với việc khẳng định hủy bỏ cuộc gặp cấp cao dự kiến trong tuần này với Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace tại London.

Tại Pháp, các Ủy ban Quốc phòng và kinh tế của Quốc hội Pháp cũng sẽ triệu tập ông Pierre-Eric Pommellet, lãnh đạo Naval Group, tập đoàn đã ký hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Australia, đến để điều trần vào ngày 28/9. Hiện tại, nhiều đảng phái đối lập tại Pháp đang yêu cầu Quốc hội Pháp mở Ủy ban điều tra về việc tại sao “hợp đồng thế kỷ” của Pháp lại bị Australia hủy bỏ. 

QUANG DŨNG/VOV

EU, Anh hoan nghênh Mỹ nới lỏng hạn chế đi lại

Nguyễn Lâm