/ Pháp luật - Đời sống
/ Phát hiện số lượng lớn dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép

Phát hiện số lượng lớn dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép

08/06/2023 05:52 |

(LSVN) - Theo Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an Nguyễn Minh Chính, thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan hành vi bán dữ liệu cá nhân, một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam đã bị đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Ảnh minh họa.

Ngày 07/6, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, Việt Nam đang bước vào xu hướng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số với hơn 77,93 triệu người sử dụng Internet (hơn 79% dân số), xếp thứ 12 trên thế giới về tỉ lệ người sử dụng Internet.

Cơ sở hạ tầng không gian mạng phát triển nhanh, ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, nghề, dịch vụ kinh doanh liên quan dữ liệu cá nhân phát triển.

Công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh... được ứng dụng sâu rộng, tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội.

Dữ liệu cá nhân từ vị trí chưa thực sự quan trọng, trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ nêu trên và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra giá trị lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc dân.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan hành vi bán dữ liệu cá nhân, một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam đã bị đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Thực trạng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra tràn lan, nhưng trên thực tế lại thiếu quy định của pháp luật để xử lý. Hiến pháp và pháp luật ghi nhận về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách công phu, bài bản, khoa học, tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế, có khảo sát, đánh giá thực trạng trong nước, nhiều lần nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa và báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Ngày 17/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân với 04 Chương, 44 Điều, đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả.

Từ đó, góp phần giảm thiểu tối đa những nguy cơ, hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, chung tay với cộng đồng quốc tế trong xử lý các nguy cơ, thách thức đến từ không gian mạng.

Cũng tại Hội nghị, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phổ biến, hướng dẫn những nội dung, quy định cơ bản, những nội dung mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn chưa rõ, nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý khi triển khai.

Những giải đáp, hướng dẫn này có ý nghĩa quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân triển khai, áp dụng đúng đắn, hiệu quả trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ và những vấn đề, nguy cơ, thách thức lớn từ không gian mạng.

Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra khuyến cáo người dân về tình trạng hành vi mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng đang diễn ra phổ biến, công khai, trắng trợn thông qua các Website, trang nhóm mạng xã hội, diễn đàn tin tặc. Được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa các các nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do người dùng Internet bất cẩn, chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân (chia sẻ công khai trên không gian mạng, lưu trữ, truyền đưa không bảo mật). Nguyên nhân tiếp theo là do cơ quan, tổ chức có dữ liệu cá nhân của khách hàng nhưng làm lộ lọt ra bên ngoài. Cuối cùng là tin tặc (hacker) sử dụng năng lực kỹ thuật thu thập dữ liệu cá nhân, sử dụng phần mềm, mã độc thu thập dữ liệu cá nhân; tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Từ đó, dữ liệu cá nhân bị lọt ra bên ngoài nên một số đối tượng xấu sử dụng để gọi điện, nhắn tin giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tạo hồ sơ giả mạo vay tiền trực tuyến. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp sử dụng gọi điện thoại làm phiền để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân:

- Hạn chế đăng tải thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là các dữ liệu cá nhân nhạy cảm;

- Sử dụng các biện pháp bảo mật khi truyền đưa dữ liệu cá nhân trên không gian mạng;

- Chỉ cung cấp thông tin dữ liệu cá nhân cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uy tín và cần thiết;

- Bảo mật thiết bị điện tử, tài khoản định trực tuyến có lưu trữ dữ liệu cá nhân (mật khẩu mạnh, bảo mật 02 lớp, hạn chế sử dụng wifi công cộng, không truy cập vào đường link lạ).

QUÝ NGUYÊN

Chuyển các hồ sơ liên quan tiêu cực cấp GPLX sang cơ quan Công an

Nguyễn Hoàng Lâm