Ảnh minh họa.
Cụ thể, báo cáo dẫn báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi quỹ BHXH ba năm 2022-2024 cho biết kết dư quỹ BHXH trong năm 2021 là 100.178 tỉ đồng, số dư quỹ chuyển năm sau là 962.808 tỉ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2022-2024 quỹ này sẽ tiếp tục thặng dư, năm 2022, 2023, 2024 thặng dư lần lượt là 66.893, 76.111 tỉ đồng và 81.736 tỉ đồng.
Qua kiểm toán, số kết dư quỹ năm 2021 là 100.170 tỉ đồng và số dư quỹ này chuyển năm sau là 962.800 tỉ đồng, tương ứng giảm 08 tỉ đồng so với số báo cáo của BHXH Việt Nam.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy đã thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 350 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thu BHXH bắt buộc trùng đối tượng đóng bắt buộc 4.815 trường hợp với số tiền hơn 30 tỉ đồng.
Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng chỉ ra việc chi sai chế độ BHXH đối với 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng đóng với số tiền 356 triệu đồng. Chi trợ cấp BHXH một lần đối với 91 trường hợp chưa đúng quy định với số tiền hơn 3,6 tỉ đồng. Một số trường hợp người hưởng chế độ BHXH (được chi trả qua bưu điện) đã chết nhưng bưu điện chưa phát hiện để báo giảm kịp thời và bảo hiểm chưa tính lãi phạt đầy đủ đối với bưu điện.
Theo đó, tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kiến nghị BHXH Việt Nam chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi BHXH, rà soát, kiểm tra, giám định chặt chẽ đối tượng thu, đối tượng hưởng chế độ để đảm bảo thu, chi chính xác, đúng quy định.
Đồng thời, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết đối với các trường hợp thu, chi BHXH là chủ hộ kinh doanh không đúng đối tượng đóng, đối tượng thụ hưởng theo quy định của luật.
Với quỹ BHYT, theo báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi quỹ 03 năm 2022-2024, kết dư quỹ trong năm 2021 là 23.067 tỉ đồng; số dư quỹ chuyển năm sau là 59.015 tỉ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2022-2024, quỹ này sẽ tiếp tục bội chi. Qua kiểm toán, số kết dư quỹ BHYT năm 2021 là 22.695 tỉ đồng và số dư quỹ chuyển năm sau là 58.643 tỉ đồng, tương ứng giảm 373 tỉ đồng so với số báo cáo của đơn vị.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán cũng phát hiện cơ quan bảo hiểm thu BHYT không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 590 triệu đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 86 triệu đồng.
Thu trùng đối tượng do cấp trùng 8.027 thẻ BHYT với số tiền hơn 6,4 tỉ đồng và thu BHYT đối với 100.099 trường hợp trùng giữa ngân sách đóng, hỗ trợ đóng với các đối tượng khác đóng là hơn 39 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra BHYT thanh toán không đúng quy định gồm dịch vụ kỹ thuật hơn 2,9 tỉ đồng, tiền giường hơn 5,6 tỉ đồng, tiền thuốc 673 triệu đồng, tiền khám bệnh 267 triệu đồng.
Bác sĩ chỉ định khám, chữa bệnh từ 2 cơ sở y tế trở lên trong cùng một ngày là hơn 2 tỉ đồng...
Từ đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kiến nghị hoàn trả ngân sách do cấp trùng thẻ và đóng trùng với đối tượng ngân sách đóng, hỗ trợ đóng số tiền hơn 27 tỉ đồng.
Về quản lý nợ đọng, chậm đóng, kiểm toán chỉ rõ đến 31-12-2021, theo báo cáo của BHXH Việt Nam có hơn 5,7 triệu lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm với số tiền nợ gốc là 12.757 tỉ đồng (tăng 1.773 tỉ đồng so với năm 2020).
Nợ lãi là 3.593 tỉ đồng (tăng 433 tỉ đồng so với năm 2020) chiếm 3,09% và 0,87% số thu bảo hiểm của năm 2021.
Số tiền nợ đọng, chậm đóng BHYT đến thời điểm 31/12/2021 là 1.507 tỉ đồng (trong đó nợ gốc là 1.404 tỉ đồng, nợ lãi là 103 tỉ đồng).
MINH QUÝ