(LSVN) - Phát triển “kinh tế văn xã” chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, không chỉ có những con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể mỹ; có một xã hội văn minh, nề nếp, dân trí văn hóa cao, mà còn rất hiệu quả về kinh tế.
Tiếp tục chương trình phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, thông tin mạng; việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã hội hóa y tế; chăm sóc người cao tuổi; đầu tư phát triển văn hóa; đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và tái thiết sau thiên tai; bảo đảm an toàn hồ đập; bảo vệ phát triển rừng; đầu tư nâng cấp đội tàu đánh bắt xa bờ, hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề sáp nhập, sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính;...
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giải trình các vấn đề liên quan đến thủy điện, an toàn hồ đập, nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về thủy điện, tác động của thủy điện tới môi trường, nhiều đại biểu đã tranh luận lại với hai bộ trưởng.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), chúng ta có ba đột phá chiến lược: Thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Điện được coi là một trong những vấn đề rất quan trọng của cơ sở hạ tầng.
“Tôi rất chia sẻ và đồng tình với Bộ trưởng một điều rằng, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và tôi cũng đồng tình rằng thủy điện đúng là có tính hai mặt. Tuy nhiên thì đến bây giờ chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng có mặt tốt là ưu việt còn mặt xấu chỉ là tạm thời?”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo đại biểu, trải qua những vấn đề vừa qua thì người dân không biết đâu nhưng cứ nhìn thấy thiệt hại vô cùng to lớn. Nhãn tiền xót xa không thể tính toán được. Bộ trưởng cũng nói không phá rừng tự nhiên, có rừng nghèo kiệt và đặc biệt có chỉ đạo đầy đủ nhưng chúng ta biết rồi, đôi khi Trung ương, thậm chí kể cả địa phương chỉ đạo nhưng các đơn vị cũng không thực hiện, chúng ta không kiểm tra, không xác định bởi chỗ này cũng chưa rõ.
Hiện nay, chúng ta đã bỏ nhiều dự án thủy điện khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phải nói rằng đây là dự án mà chúng ta nhìn thấy rõ nguy cơ; phải nói rằng, tất cả các dự án điện nói chung và dự án thủy điện đều có tiềm năng nguy cơ.
Trong khi nước ta có rất nhiều tiềm năng về năng lượng xanh, năng lượng sạch. Bây giờ điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo có rất nhiều tiềm năng để có thể thay thế. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc hội đều thống nhất cùng quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng.
“Vậy thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này trước khi đánh giá lại tất cả các vấn đề thì chúng ta kiểm nghiệm lại. Tôi không chống lại làm thủy điện nhưng phải làm thế nào để đất nước không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Giải quyết hài hòa các tác động
Ở góc độ khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, bàn cái lợi, cái hại của thủy điện nhỏ là chúng ta mới bàn chuyện ngày hôm nay, nhưng khi đã hết khấu hao, huy động không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả những công trình xây dựng ở vùng sâu núi thẳm này sẽ là quả bom nổ chậm.
Nguồn tài lực nào, nhân lực nào để dỡ bỏ? Vì thế, bây giờ chúng ta xây dựng phải thấy được kết cục đó như thế nào? Đại biểu nêu vấn đề và cho rằng: Chắc chắn sẽ là di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo. Cũng như một số nguồn năng lượng, nguồn điện sạch, tái tạo hiện nay, hàng vạn m2 điện mặt trời khi trở thành rác, không sử dụng sẽ thành nguồn gây ô nhiễm, gây hại.
“Ngay từ bây giờ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có chế tài để huy động nguồn lực giải quyết hài hòa các tác động”, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị.
Đầu tư cho văn hóa “không chỉ cần thiết mà cấp thiết lắm rồi!”
Đề cập đếnvai trò, vị trí to lớn, đặc biệt quan trọng của văn hóa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) bày tỏ: Tại Kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ này, nhiều cử tri ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị tiếp tục kiến nghị Quốc hội về tình hình đạo đức, văn hóa, xã hội hiện nay có nhiều bất cập. Đầu tư cho văn hóa không chỉ cần thiết mà cấp thiết lắm rồi.
Theo đại biểu đầu tư ở đây không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là nhận thức, quan tâm thực chất của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở cho con người, xã hội có văn hóa nề nếp, quy củ; cho những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng được chú trọng như những chiến sĩ trên các “mặt trận” khác; cho tiếng nói đại diện cho văn hóa và du lịch ở Quốc hội được nhiều hơn, trí tuệ và mạnh mẽ hơn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trả lời chất vấn của ông về văn hóa, rất thuyết phục và đã có lộ trình trong đầu tư cho văn hóa những năm tới, ít nhất là 1,8 % tổng chi ngân sách theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10.
Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách rất hay, rất đúng về văn hóa của Đảng, của Chính phủ, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Văn hóa.
Trước mắt cần có Nghị quyết về văn hóa cũng như các nghị quyết trước đây của Quốc hội về giáo dục và khoa học công nghệ, để thể hiện sự quan tâm, chú trọng thực chất văn hóa; để luật hóa chính sách của Đảng, Nhà nước, buộc các cơ quan, các cấp, các ngành thực hiện.
“Có như vậy, văn hóa mới thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước” – đại biểu nhấn mạnh.
Phát triển "kinh tế văn xã" chúng ta sẽ đạt mục tiêu kép
Nêu quan điểm về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng tiếp tục kiến nghị: Cần đầu tư phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp y tế, kinh tế, giáo dục, kinh tế thể thao và du lịch tạm gọi chung là “kinh tế văn xã”.
Đây là những ngành nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, chưa khai thác và phát huy được nhiều, nhất là nguồn nhân lực với 100 triệu người dân Việt trong và ngoài nước rất cần cù, thông minh, nghị lực và yêu nước. Phát triển “kinh tế văn xã” chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, không chỉ có những con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể mỹ; có một xã hội văn minh, nề nếp, dân trí văn hóa cao, mà còn rất hiệu quả về kinh tế.
Nêu minh chứng về văn hóa như Văn Miếu Quốc Tử Giám được đầu tư xây thêm vào năm 2000 với khoảng 18 tỷ đồng, thì thu ngân sách đã tăng từ 300 triệu năm đó lên hơn 40 tỷ đồng vào năm ngoái. Đại biểu khẳng định, lợi ích về giữ gìn di sản văn hóa, quảng bá truyền thống văn hiến đất nước, con người, du lịch Việt Nam là không đo đếm được, tiền thu được không ít. Nếu thống kê trên phạm vi toàn quốc và các lĩnh vực khác của kinh tế văn hóa, chắc chắn số thu sẽ rất lớn.
Về giáo dục, ước tính học sinh Việt Nam du học nước ngoài chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Theo đại biểu, nếu chúng ta đầu tư phát triển mạnh cho giáo dục nước nhà đạt tầm quốc tế thì không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút nhiều học sinh trong và ngoài nước, mà còn giảm “chảy máu” ngoại tệ, chất xám ra nước ngoài, lại tăng thu từ đào tạo sinh viên quốc tế. Cũng như văn hóa, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bởi vì, giáo dục văn hóa đều nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức con người, mà nguồn lực con người ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động kinh tế.
Về y tế, ước tính có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, làm đẹp với chi phí hơn 2 tỷ USD mỗi năm. Nếu nửa số người trên điều trị trong nước chúng ta đã tiết kiệm gần 1 tỷ USD một năm.
Vậy tại sao trình độ bác sĩ của nước ta ngày càng cao, có nhiều thành tựu được thế giới công nhận, các thiết bị kỹ thuật từ nha khoa, thẩm mỹ đến phẫu thuật, nội soi, ung bướu, ghép tạng tại Việt Nam đều có chất lượng không thua kém, giá dịch vụ thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, mà người Việt vẫn phải lận đận ra nước ngoài điều trị kèm theo người nhà chăm sóc? Tại sao công nghiệp dược chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, khi tiềm năng của chúng ta là rất lớn? Sau thắng lợi chống dịch Covid-19, y tế Việt Nam lại càng thêm uy tín trên trường quốc tế.
Nêu một loạt vấn đề, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, với quyết tâm cao của tân Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành công nghiệp y tế và công nghiệp dược sẽ được đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm tới để Việt Nam thành cường quốc y tế, vừa phục vụ tốt sức khỏe đồng bào, vừa phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng mong rằng Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn về văn hóa cùng “kinh tế văn xã”, sẽ chọn phát triển kinh tế văn xã làm trụ cột, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, để chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam ngay trong 10 năm tới.
“Toàn xã hội, cử tri cả nước tin tưởng Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách tốt nhất, hiệu quả nhất để văn hóa Việt Nam tỏa sáng, soi đường, để kinh tế văn xã phát triển, góp phần cho một Việt Nam thịnh vượng”, ông nói.
Quyết sách mang tính lịch sử
Cho rằng ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp được đại biểu đề xuất liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là đúng với thực tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc cũng đã nhiều lần đề cập các nội dung này. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Theo tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình Quốc hội và được sự ủng hộ ngay từ đầu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể và ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là quyết sách mang tính lịch sử. Ngay sau đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết kèm theo Kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Hiện nay đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực. Đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2020 và Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực cũng đã hoàn thành xây dựng 3 tiêu chí: Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Tiêu chí phân nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội và trong tài liệu của các đại biểu Quốc hội đã có nội dung này. Nguồn vốn đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021 - 2025.
“Chúng tôi đã triển khai thực hiện rất công khai, minh bạch, đã thông báo nguồn vốn công khai đến 51 tỉnh thuộc khu vực, tỉnh đó thì dự án nào, được bao nhiêu tiền, thực hiện nội dung gì. Trên cơ sở tiếp nhận lại thông tin của các tỉnh chúng tôi đã làm việc với 15 tỉnh và cũng đánh giá nhận định rằng, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn. Khi chúng ta hiện thực hóa mục tiêu chương trình quốc gia này thì sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, mới đây, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2021 đã ghi rõ: tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, nhấn đậm nét về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, chúng ta cũng có thể chia sẻ giai đoạn này Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo rất đồng bộ về các văn bản, quan điểm, chủ trương, đường lối, dự án của chúng ta đã có bề dày giờ chỉ có triển khai thực hiện thôi.
“Tôi cũng chia sẻ, tôi hiểu cái này cũng sốt ruột nhưng mà những quy định này phải tuân thủ theo quy định nhà nước và chúng ta phải có một thời gian chứ “dục tốc thì bất đạt. Tất cả chúng ta cũng mong là triển khai có hiệu quả. Các giải pháp mà đại biểu Quốc hội đã nêu được thể hiện rất rõ, cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi hứa là sẽ thực hiện nghiêm túc và cầu thị nhất về chương trình mục tiêu của chúng ta đạt được kết quả mong muốn”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.
Về nguồn lực, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 5 tỷ USD, tức 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này. Đây là một sự quan tâm rất đặc biệt chứ không phải là con số nhỏ.
Nễu chúng ta ứng xử thật lòng thì khó mấy cũng vẫn sẽ có cách giải quyết
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ qua, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tài sản, tính mạng và cơ sở hạ tầng. Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn xã hội rất quan tâm. Ban Bí thư có chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ vào tận nơi, vào tận bệnh viện thăm bà con dân tộc thiểu số bị thương vong và chỉ đạo cấp nào cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để bị bệnh mà không được cứu chữa.
Đây không phải chỉ là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ mà đây thực sự còn là một mệnh lệnh từ trái tim, một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đảng, Nhà nước Chính phủ đã dành sự quan tâm rất đặc biệt như vậy; quân đội, công an, anh em ngày đêm thực hiện chỉ đạo của cấp trên để cứu giúp bà con, đưa cả trực thăng để đưa đồ cứu trợ mà phải vượt cả biên giới của mình để mà đi vào cái vùng mà chúng ta vẫn bị biệt lập.
Trong hoạn nạn thấy được tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quý. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này và sẽ ưu tiên tăng thêm cho các tỉnh vùng bị lũ miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở và phục hồi sinh kế cho đồng bào, sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học nghiên cứu kỹ các yếu tố tự nhiên, xã hội tìm nguyên nhân và giải pháp để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Như thế là cần thiết và kịp thời. Đánh giá cảm quan của chúng ta bây giờ kết luận do cái gì theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến là vẫn chưa đầy đủ và cũng chưa có sức thuyết phục. Độ che phủ rừng của nước ta trên 42% so với nước ngay bên cạnh 26% thì không phải là thấp. Nhưng mưa dồn dập với lưu lượng rất lớn, thời gian kéo dài, độ dốc cao mà đặc điểm của miền Trung dốc lại chạy từ miền núi xuống. Với độ dốc cao như vậy, với một lưu lượng lớn như thế thì lấy gì để ngăn dòng chảy này?
“Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở núi, ngay chân núi Tam Đảo. Các cụ xưa có câu “mưa ngàn, gió núi” kinh khủng lắm. Những viên đá nặng hơn tấn, nước đẩy đi lăn lông lốc. Lúc này, theo chúng tôi, chỉ đạo để ứng cứu giúp đồng bào ổn định cuộc sống là quan trọng nhất. Mọi thứ khác chúng ta sẽ giải quyết dần và trước sự việc phức tạp, khó khăn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nếu chúng ta ứng xử thật lòng thì khó mấy chúng ta vẫn sẽ có cách giải quyết”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.
Pháp luật cơ bản đầy đủ, nhưng một số địa phương thực hiện không nghiêm
Phát biểu giải trình các vấn đề liên quan đến công tác vận hành các đập thủy điện và an toàn hồ đập, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta có hàng loạt các công cụ pháp lý từ Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước cũng như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Điện lực và Luật Phòng, chống thiên tai, bão lũ để điều chỉnh các hoạt động của thủy điện gắn với bảo vệ và phòng, chống thiên tai cũng như bảo vệ an toàn đập, hồ thủy điện, trong đó có Nghị định 114 mới được Chính phủ thông qua.
Các bộ, ngành đều đã có thông tư hướng dẫn để đảm bảo an toàn của đập điện cũng như hồ thủy lợi thì đã có phân cấp và xác định rõ trách nhiệm cũng như quy trình để đảm bảo.
Trong các phương án phòng, chống lụt, bão để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân cũng như hoạt động kinh tế xã hội của địa phương, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta cũng đã có hàng loạt các văn bản pháp quy hướng dẫn. Ví dụ như Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và yêu cầu các chủ đập phối hợp với chính quyền địa phương phải thiết lập các hệ thống giám sát, quan trắc tự động về khí tượng thủy văn; giám sát hệ thống vận hành của các nhà máy thủy điện căn cứ trên lượng mưa về... với nguyên tắc bảo đảm lượng nước xả ra không bao giờ vượt quá lượng nước về hồ.
Đồng thời, chúng ta cũng đã có những phương án phòng, chống lũ, bão tại địa phương căn cứ trên chỉ đạo của Ban Phòng, chống lụt, bão tại địa phương. Trong đó bản đồ ngập lụt các vùng hạ du là một nội dung quan trọng, đã yêu cầu các chủ đập, các chủ dự án đều phải có kế hoạch để báo cáo địa phương trong kế hoạch điều tiết về quy trình đơn hồ và quy trình liên hồ để đảm bảo việc xả lũ để phòng, chống lũ báo địa phương, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho đời sống của nhân dân và gắn với hung thủ vụ án.
Trước yêu cầu của các đại biểu Quốc hội về đánh giá lại hiệu quả cũng như những nguy cơ đặt ra cho việc gây lũ, gây thiệt hại cho nhân dân, tác động đến môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, “thống nhất rất nhiều ý kiến của các đại biểu đã nêu”. Trong bối cảnh các công cụ, cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng cũng không tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương thực thi không nghiêm. Ví dụ như tại thủy điện Hố Hô, năm 2016 đã xảy ra câu chuyện xả lũ vượt quá mức về hồ và gây ra ngập lụt hạ du. “Những việc này đã được các cơ quan chức năng xử lý rất kiên quyết, đã thu giấy phép thực hiện hoạt động tham gia hoạt động điện của dự án này, tiến hành phạt, yêu cầu khắc phục rồi mới tiếp tục cho phép cho ra thị trường điện”, Bộ trưởng thông tin.
Sạt lở đất gắn chặt với yếu tố dị thường, cực đoan của thời tiết
Câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ, bão lụt, ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất và đặc biệt như đại biểu Trần Thị Dung đề cập về động đất tại khu vực sông Tranh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Qua khảo sát thực tế nghe báo cáo của các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn và của cơ quan chức năng, thì trước mắt, phải khẳng định những câu chuyện sạt lở đất mà gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng về người và của tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam gắn chặt với những yếu tố dị thường và cực đoan của thời tiết.
Bộ trưởng dẫn chứng: Theo con số từ các báo cáo của cơ quan chức năng, lượng mưa tại Quảng Bình, Quảng Trị cũng như của Quảng Nam, Quảng Ngãi vào thời điểm này là rất lớn, đến mức độ hàng nghìn mét khối giây.
Ví dụ như tại Trà My, lượng mưa lên tới hơn 2.500 m3 của cả thời kỳ; thời gian hoàn lưu bão của cơn bão số chín kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. Đây là những nguy cơ rất lớn và đã tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như các điều kiện đất đai và các địa phương và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Đối phó với thiên tai, bão, lũ là một câu chuyện mới
“Tất nhiên, những câu chuyện liên quan đến tác động của vấn đề mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật rồi mất độ kết dính của đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện, cũng như các dự án khác là những vấn đề chúng ta không thể phủ nhận trong một mức độ chừng mực nhất định.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố rất cực đoan của thời tiết, chúng tôi cho rằng, câu chuyện để đối phó với thiên tai, bão, lũ là một câu chuyện mới.
Chúng ta phải đặt công tác nghiên cứu khoa học và đưa ra những cảnh báo một cách cụ thể hơn nữa. Đặc biệt là bản đồ của các khu vực sụt lún cũng như các nguy cơ biến đổi cực đoan của khí hậu là vấn đề rất lớn mà chúng ta phải dự báo cho công tác phòng, chống thiên tai cũng như là về phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó sẽ có tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có và đồng thời tiếp tục khai thác tốt những cái nguồn tài nguyên của đất nước.
Quyền tự do ngôn luận phải đặt trong khuôn khổ pháp lý
Đánh giá thành công của đất nước ta trong một năm hết sức khó khăn như 2020, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, ngoài những nguyên nhân Chính phủ đã báo cáo còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
Thông tin có vai trò to lớn trong định hướng tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Tô Văn Tám cũng chỉ rõ, thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai, về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm khắc phục thiên tai, bão lũ; về thành quả phát triển đất nước, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế chính quyền.
Nhận thức rõ vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đó. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được loại trừ, vẫn như đang thách thức những nỗ lực cơ quan chức năng. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để xử lý khúc này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng loại trừ các hành vi trên.
“Tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng phải thực hiện các quyền đó trong khuôn khổ pháp lý nhất định. Kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, họ cũng tạo ra những khuôn khổ như vậy để bảo đảm quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng, đồng thời ngăn chặn loại trừ sự lợi dụng quyền này để xuyên tạc đưa, phát tán thông tin sai lệch, làm gây hại cho chính thể, chính quyền, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Tuyên ngôn Nhân quyền, dân quyền của Liên Hợp Quốc cũng có quy định quyền tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do. Tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền sau này theo quy định pháp luật”, đại biểu Tô Văn Tám phân tích.
Nhân dân đang được hưởng thụ thành quả tăng trưởng
Theo đại biểu Tô Văn Tám, báo cáo của Chính phủ cho thấy sự phân phối kết quả tăng trưởng đã và đang đạt hiệu quả, các tầng lớp nhân dân đang được hưởng thụ sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn, nhất là vùng nông thôn, miền núi Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là một thách thức của sự phát triển.
Đại biểu cũng cho rằng, việc đầu tư cho khu vực miền núi Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng thực tiễn triển khai vẫn đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Vùng này thường có ý nghĩa nhạy cảm về chiến lược quốc phòng, an ninh. Do vậy, việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là đầu tư nước ngoài đang có những hạn chế.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ chế mới để làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo tăng thêm nguồn lực đầu tư để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng này.
Bên cạnh đó, đại biểu Tám cũng cho rằng, phát triển cây dược liệu, phát triển chăn nuôi đang là một lợi thế của tỉnh Kon Tum và đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Nhưng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 66 năm 2015 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thẩm quyền công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao thì không có đối tượng là vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất dược liệu và chăn nuôi.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định này để địa phương có cơ sở xem xét trong việc tổ chức thẩm định công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm
Phát biểu về vấn đề SGK tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội của Quốc hội, sáng 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, và các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên và rất nhiều người dân bình thường với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học sinh lớp 1. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục để có một bộ SGK thật tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Phó Thủ tướng cho biết trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề về giáo dục được cử tri và các đại biểu quan tâm.
Việc triển khai chương trình, SGK mới được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục mới sửa đổi. Điều 32, khoản 3 của Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt. Mặc dù không thuộc thẩm quyền trực tiếp, tuy nhiên cũng giống như những vấn đề giáo dục khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề SGK.
Trong các phiên họp gần đây của Chính phủ đều có thảo luận về vấn đề SGK. Thủ tướng đã nhắc nhiều lần. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp họp 2 lần với Bộ GD&ĐT, Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các chuyên gia, kể cả những người tham gia thẩm định SGK. Cá nhân Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp riêng các chuyên gia và thầy cô giáo.
Và sơ bộ đúng như các đại biểu Quốc hội nói, sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn, vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không hề có kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Nhưng qua những lần làm việc có thể thấy sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, có sai sót. Những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học người bình thường không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT theo đúng tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.
Nói về chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, Phó Thủ tướng dùng hình ảnh: Trước kia chúng ta dùng 1 chương trình, 1 bộ SGK, không có sự phân biệt và coi như bắt buộc giống như quy định các cô giáo chỉ dùng một bộ áo dài đồng phục, một màu, một kiểu thì bây giờ một chương trình, nhiều bộ SGK để phát huy sáng tạo, không độc quyền, giống như quy định vẫn là áo dài nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau. “Nhiều bộ hơn nhưng phải đúng là áo dài. Chất liệu, đường kim mũi chỉ phải đẹp hơn, tốt hơn áo dài đồng phục trước đây”.
Vì vậy, dù có một bộ SGK hay nhiều bộ SGK thì chất lượng ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.
Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ thông tin công khai các bản thảo SGK trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ, góp ý và qua đó chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đúng, giải thích lại những ý kiến chưa đúng để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu.
Trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cho ngành giáo dục, Phó Thủ tướng tin tưởng cùng với việc kế thừa những thành tựu đã đạt được nhất định chúng ta sẽ đổi mới giáo dục thành công.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều thành tựu cho kinh tế nước ta, song trong thực tế cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao của nước ta còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu vấn đề: Việc thu hút vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo công nhân; tiêu thụ sản phẩm chính là khó khăn đầu tiên. Ước tính ngoài chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo người lao động, nếu muốn thành lập trang trại chăn nuôi ở quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì chi phí gấp 4 đến 5 lần chi phí so với mô hình trang trại truyền thống. Cụ thể, 1 ha nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước phun sương, bón phân được tự động hóa theo công của Israel thì cần ít nhất khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm khoảng 0,01%. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam luôn thấp.
Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Đây là khó khăn thứ hai, đòi hỏi đội ngũ này phải có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn ở nước ta còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập và phát triển. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ, đặc biệt là ở vùng có kinh tế kém phát triển, nhất là việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khó khăn thứ ba với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đó là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém trong và ngoài nước chưa tương xứng với chi phí đầu tư. Trên thị trường quốc tế, phần lớn nông sản Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ở các tỉnh, thành chưa liên kết chặt chẽ, tại nhiều địa phương việc xây dựng kế hoạch hợp tác giữa cá nhân nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện dự án còn rời rạc, còn nhiều bất cập.
Khó khăn thứ tư là về quy tụ đất đai. Việc quy tụ đất đai, tập trung ruộng đất còn chậm. Ở nhiều địa phương, các vị trí thuận lợi thường xây dựng các hệ thống dịch vụ, đặc biệt là các khu công nghiệp. Hơn nữa đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang cho nông nghiệp công nghệ cao.
Chỉ rõ, đây là 4 “điểm nghẽn” với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.
Năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước. Khẳng định điều này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) nêu rõ, đó là điểm tốt của sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; điểm tốt trong sự đồng hành, chia sẻ cứu trợ người dân trong hoạt động thiên tai. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân.
Đại biểu đề nghị trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cảu các bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt gấp đôi, gấp ba.
Một đại biểu cho rằng mặc dù mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững đã đạt những con số ấn tượng, hộ nghèo giảm 1,42%/năm, còn dưới 5%., tuy nhiên để giảm nghèo bền vững rất cần chú trọng công tác đào tạo nghề dài hạn, chính thức hóa thị trường lao động. Chúng ta phải thiết kế giáo dục nghề nghiệp trong gói hỗ trợ giảm nghèo để tăng khả năng tiếp cận của người dân.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) bày tỏ tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua.
Về giáo dục phổ thông, đại biểu cho rằng năm học 2019-2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành năm học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do thời lượng số tiết học giáo dục hướng nghiệp còn ít, thiếu giáo viên nê đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp, cần có sự tham gia của DN.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đại biểu cho rằng cần ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động tự chủ đại học, chấn chỉnh những trường đại học chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Nhiều trường đại học còn thiếu giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo còn yếu. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liêm chính trong nghiên cứu khoa học, cần có hệ thống đo lường chất lượng giáo dục đại học khách quan, trung thực, hiệu quả.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao đông, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng… và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng/GDP do chỉ tiêu này phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển những ngành tiêu hao ít năng lượng.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) cho rằng hiện còn nhiều kiến nghị của cử tri liên quan tới các vấn đề môi trường, kiến nghị rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, nêu rõ các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, yêu cầu tất cả các khu này phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước năm 2025; đề nghị Quốc hội bổ sung một số chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển sắp tới như về xử lý nước thải, chất thải rắn được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề về môi trường.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, với địa hình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thời gian qua, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề, trong đó tỉnh Quảng Ngãi chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản tới hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Tỉnh rất cảm ơn Trung ương và các địa phương, đồng bào cả nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Đại biểu cho rằng trong quá trình phát triển, các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai; điều tra, đánh giá và công bố các nguyên nhân gây ra thiên tai như vừa qua, đồng thời sử dụng các phân tích này trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bố trí lại dân cư… để bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.
Đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hơn nữa cho huyện đảo Lý Sơn hiện còn rất nhiều khó khăn trong phát triển, để tỉnh này giữ vững vai trò đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đại biểu Quách Thế Tản (tỉnh Hòa Bình) cho rằng từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả. Chất lượng giáo dục phổ thống được nâng lên. Lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được hoàn thành. Tự chủ đại học đã được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song ngành giáo dục đã thực hiện tốt việc dạy và học, trong đó đẩy mạnh học trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Các địa phương tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Bộ GD&ĐT phải tổ chức toàn bộ như những năm trước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mưới giáo dục còn khó khăn. Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt tại miền núi. Công tác quản lý sách giáo khoa, sách tham khảo còn bất cập, một số nội dung chưa phù hợp. việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh chưa có chuyển biến căn bản.
Đại biểu đề nghị thời gian tới ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đến chất lượng thẩm định, phê duyệt các bộ SGK, có giải pháp khắc phục những nội dung chưa phù hợp trong các cuốn SGK đã được phát hành, sửa đổi, bổ sung các khâu giám sát, thẩm định, phê duyệt đối với các cuốn SGK tiếp theo.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, tinh giản 10% biên chế giáo viên cần xem xét, tính đến đặc thù của ngành giáo dục, điều kiện thực tế của địa phương.
Trong ngày hôm nay (4/11), đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; các chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước, đồng thời cũng là năm chuẩn bị và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Do đó, ngoài việc thảo luận các vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch và thiệt hại do bão lũ gây ra.
MỸ LINH (t/h)