/ Luật sư trực ban
/ Phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm lại giấy tờ tùy thân?

Phẫu thuật thẩm mỹ có phải làm lại giấy tờ tùy thân?

02/06/2023 17:34 |

(LSVN) - Khi sử dụng sự can thiệp của dao, kéo lên khuôn mặt thì người sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có một diện mạo mới. Vậy, nếu sở hữu một diện mạo mới khi phẫu thuật thẩm mỹ thì có phải làm lại các giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, phẫu thuật thẩm mỹ với sự can thiệp của dao kéo khiến nhiều người dường như “lột xác”, trở thành một người khác hoàn toàn với dung mạo ban đầu trong ảnh Chứng minh nhân dân (CMND). Theo điểm e, khoản 1 Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, trường hợp “thay đổi đặc điểm nhận dạng” là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi, cấp lại CMND.

Trong khi đó, “nhận dạng” được hiểu là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.

Như vậy, nếu phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng, khiến những người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra gương mặt trước và sau phẫu thuật đều là cùng một người thì trong trường hợp này, phải thực hiện đổi, cấp lại CMND.

Tương tự, với người phẫu thuật thẩm mỹ đang sử dụng Thẻ căn cước công dân thì khi thay đổi đặc điểm nhận dạng cũng phải thực hiện đổi, cấp lại Thẻ căn cước công dân – theo điểm c, khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014.

Thủ tục đổi CMND/CCCD sau khi phẫu thuật thế nào?

Theo Luật sư, hiện nay, người dân được khuyến cáo, vận động làm Căn cước công dân gắn chíp để thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng cũng như trong quản lý của Nhà nước. Trường hợp cá nhân phẫu thuật thẩm mỹ mà thay đổi nhận dạng so với trong ảnh CMND/CCCD phải đi làm lại CMND/CCCD.

Theo đó, các bước đổi CMND/thẻ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip như sau:

Bước 1: Điền vào Tờ khai Căn cước công dân

Công dân làm trực tiếp tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện (nếu huyện công dân đang ở đã triển khai làm CCCD gắn chip).

Bước 2: Xuất trình CMND/CCCD mã vạch cũ và làm theo hướng dẫn

- Khi làm thủ tục công dân xuất trình CMND/CCCD mã vạch cũ đã được cấp. Để thuận tiện hơn, công dân có thể mang thêm một số giấy tờ tùy thân khác (như giấy khai sinh, hộ chiếu,...);

- Cán bộ phụ trách sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân từ Phiếu thu nhận thông tin CCCD trong phần mềm cấp CCCD đã được cập nhật, đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định người cần cấp thẻ, thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Bước 3: Công dân đóng lệ phí cấp CCCD theo quy định

Theo đó, mức thu lệ phí đổi CMND/CCCD như sau:

- Chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD là 30.000 đồng/thẻ CCCD;

- Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ CCCD;

- Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ CCCD.

QUÝ NGUYÊN

Trường hợp nào thu hồi đất không được bồi thường?

Nguyễn Hoàng Lâm