(LSO) - Tại tòa, các luật sư có đề nghị đưa thêm chứng cứ, tài liệu, sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết vụ án. Về đề nghị triệu tập thêm một số người làm chứng, HĐXX thấy, khi đưa vụ án ra xét đã xem xét đầy đủ các thành phần, không cần thiết phải triệu tập.
Sáng 18/5, tại trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại 3 khu "đất vàng", gồm số 2, 7-9, 9-11 tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 900 tỉ đồng.
Phiên tòa được mở với Hội đồng xét xử gồm 5 sĩ quan do thẩm phán Đại tá Lê Thành Nam làm chủ tọa; giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử gồm 4 sĩ quan của Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) QCHQ.
An ninh tại khu vực quanh phiên toà được thắt chặt nghiêm ngặt. Lực lượng công an, quân đội được bố trí để giữ an ninh, máy phá sóng cũng được sử dụng. Những người tham dự phiên toà được kiểm tra danh sách kỹ lưỡng. Người vào phòng xét xử phải trải qua ít nhất 3 vòng kiểm tra, soi chiếu.
Do điều kiện sức khỏe yếu, các bị cáo Hiến, Nga và Thiềm được HĐXX cho phép ngồi trình bày tại tòa.
Tòa án triệu tập 12 doanh nghiệp liên quan vụ án gồm Công ty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, Công ty CP Đầu tư sản xuất thương mại Mai Anh, BIDV, Công ty TNHH Cảnh Hưng, Công ty CP Yên Khánh Hải Thành, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty CP BOT Cầu Việt Trì, Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20…
Trong số đó, đại diện Công ty CP Cảnh Hưng, Công ty CP Tập đoàn Đức Bình không có mặt khi Chủ tọa kiểm tra căn cước những người tham gia phiên tòa.
Tòa cũng triệu tập 12 nhân chứng tới phiên tòa. 25 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan tham gia phiên tòa.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) cho rằng đối với việc triệu tập thêm các cá nhân và tổ chức, hồ sơ vụ án đã có đủ lời khai và cơ bản phù hợp do đó việc triệu tập thêm là không cần thiết.
Kết luận của tòa, về ý kiến của BIDV đề nghị triệu tập thêm Văn phòng Công chứng trung tâm, Văn phòng đăng ký đất đai TP.Hồ Chí Minh với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để làm rõ trách nhiệm, HĐXX nhận thấy không thuộc phạm vi giải quyết vụ án. Sau khi có phán quyết của vụ án, BIDV có quyền khiếu nại, khởi kiện của mình theo quy định pháp luật.
Các luật sư có đề nghị đưa thêm chứng cứ, tài liệu, sẽ được xem xét trong quá trình giải quyết vụ án. Về đề nghị triệu tập thêm một số người làm chứng, HĐXX thấy, khi đưa vụ án ra xét đã xem xét đầy đủ các thành phần, không cần thiết phải triệu tập.
Ngay sau đó, đại diện VKS đã công bố cáo trạng dài 35 trang, truy tố bị cáo Nguyễn Văn Hiến, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 4 bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng tài chính QCHQ), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành).
Có 3 bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh).
Dự kiến, phiên tòa làm việc trong 3 ngày.
LSO (t/h)