Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Trần Lưu Quang nhận xét đây là “câu chuyện tưởng chừng không thể xảy ra được” bởi người xây dựng sai phép quy mô lớn lại là một Chánh Thanh tra xây dựng quận 10 khi còn đương chức.
Chiều 21/4, Thành ủy TP. HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP (viết tắt là Chỉ thị 23) đến hết tháng 3/2020.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM Tô Thị Bích Châu chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang yêu cầu lãnh đạo Quận 10 báo cáo về trường hợp cựu Chánh Thanh tra xây dựng quận xây dựng sai phép quy mô lớn trên địa bàn.
Báo cáo với lãnh đạo Thành phố, Phó Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Nga cho biết UBND quận đã cấp phép xây dựng cho công trình nhà ở riêng lẻ quy mô 1 tầng hầm và 6 tầng tại số 41/7 đường Sư Vạn Hạnh (phường 3) vào năm 2011. Chủ đầu tư công trình là ông Trần Văn Hưởng, Chánh Thanh tra xây dựng Quận 10 đã cho xây lên quy mô 1 tầng hầm, 8 tầng.
Ngoài ra, qua kiểm tra của chính quyền địa phương, công trình nhà ở của cựu Chánh thanh tra xây dựng Quận 10 còn xây trên phần đất công với diện tích chiếm dụng hơn 6 m2.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết UBND Quận 10 đã có quyết định xử lý và yêu cầu tháo dỡ phần diện tích sai phép khoảng 200m2 sàn vào năm 2013 nhưng chủ đầu tư không hợp tác, không tự tháo dỡ và gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Đến năm 2019, UBND Quận 10 tiếp tục vận động nhưng chủ đầu tư tiếp tục phản ứng và không chấp hành.
“Đến nay, công trình đã tháo dỡ được hơn 70% diện tích vi phạm. Phần còn lại nằm trong kết cấu chính, nên phải có phương án gia cố để đảm bảo an toàn cho công trình khi tháo dỡ phần sai phép. Sau khi hoàn tất việc gia cố thì dự kiến đến ngày 31/5 sẽ hoàn tất việc tháo dỡ phần diện tích vi phạm”, bà Nga thông tin.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang nhận xét đây là “câu chuyện tưởng chừng không thể xảy ra được” bởi vì người xây dựng sai phép quy mô lớn lại là một Chánh Thanh tra xây dựng quận khi còn đương chức và quyết định cưỡng chế đã có từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện xong.
“Đến ngày 31/5, Quận 10 phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ xong. Quan điểm chung với trường hợp này là một người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật lại vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, sau 9 tháng thực hiện Chỉ thị 23, TP. HCM đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể: Chỉ thị 23 đã giúp ngăn chặn những việc làm xấu hình ảnh của TP. HCM, có tác dụng răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm và tạo ý thức cùng hành động đúng và quyết liệt hơn trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng.
Đề nghị chính quyền các cấp TP. HCM cần xem xét thấu tình, đạt lý đối với những người dân đang thật sự có nhu cầu về nhà ở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh các đầu nậu, doanh nghiệp cố tình lợi dụng kẽ hở của các quy định của pháp luật để trục lợi.
Theo ông Trần Lưu Quang, TP. HCM cần có phương án xử lý nhanh đối với các trường hợp vi phạm. Xử lý vi phạm xây dựng càng chậm trễ thì về sau xử lý sẽ càng khó khăn, phức tạp. Việc xử lý nghiêm túc, kịp thời cũng sẽ mang đến mục tiêu ngày càng giảm dần về hành vi vi phạm. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, các cấp ủy, chính quyền cần đề cao vai trò của người đứng đầu. Căn cứ vào kết quả, năng lực của cán bộ, đảng viên trong quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét công tác bố trí cán bộ trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư cho biết có tình trạng đầu nậu lợi dụng sơ hở trong các quy định pháp luật để xây dựng không phép, sai phép rồi lừa bán người dân, nhất là người dân yếu thế, khó khăn về nhà ở.
Huyện ủy Hóc Môn chỉ đạo quyết liệt để cơ quan điều tra huyện tích cực xử lý các vụ đầu nậu xây dựng trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn. Đơn cử như trường hợp một đầu nậu ở xã Xuân Thới Sơn xây 14 căn nhà, bán cho người dân thu 11 tỷ đồng. Cơ quan điều tra huyện Hóc Môn đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP. HCM xử lý.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình, trong quý 1/2020, số vụ vi phạm bình quân tại TP. HCM là 2 vụ/ngày, giảm 6,5 vụ/ngày (gần 77%) so với 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc ngăn chặn các công trình vi phạm xây dựng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, nhiều trường hợp bị xử lý xong nhưng lại tái phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết sắp tới sẽ tập trung cưỡng chế công trình vi phạm, nhất là các công trình vi phạm nghiêm trọng tại số 51 Nguyễn Chí Thanh (Quận 5), công trình Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình)…
“Trong tháng 5/2020, Sở sẽ có hướng dẫn xây dựng nhà cho công nhân, người lao động thuê nhằm giảm tình trạng nhà “3 chung” (chung giấy tờ nhà đất, chung sở hữu, chung số nhà), tạo thuận lợi cho người dân xây nhà cho thuê được dễ dàng”, ông Bình cho hay.
HUY THỊNH/TPO