(LSVN) - Với chủ đề gắn kết và chủ động thích ứng lần đầu công bố tháng 11/2019, do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển phương thức tổ chức các hoạt động của ASEAN sang hình thức trực tuyến và cho đến nay, hầu hết các hoạt động của trong Năm Chủ tịch đã hoàn tất.
Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã củng cố hơn nữa sự gắn kết và đồng thuận về vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ nhận định trên trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Thái Nguyên ngày 20/11.
Với chủ đề gắn kết và chủ động thích ứng lần đầu công bố tháng 11/2019, do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển phương thức tổ chức các hoạt động của ASEAN sang hình thức trực tuyến và cho đến nay, hầu hết các hoạt động của trong Năm Chủ tịch đã hoàn tất.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã gắn kết được các nước thành viên để cùng nhau thích ứng, hành động mạnh mẽ nhất để cùng đưa ra biện pháp hỗ trợ lẫn nhau, kiềm chế đại dịch và phục hồi kinh tế.
ASEAN còn trở thành hình mẫu của một tổ chức khu vực chủ động gắn kết các đối tác, đồng thời nhiều đối tác cũng chủ động hợp tác với ASEAN trong đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Tuy đại dịch khiến cho các hoạt động đối ngoại bị ngưng trệ trên toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn duy trì giao thiệp ngoại giao rộng khắp với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chủ chốt, với trên 30 cuộc điện đàm cấp cao nhằm trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Cùng với việc kiểm soát tốt đại dịch, ngay cả trong những lúc khó khăn, Việt Nam còn hỗ trợ tài chính và vật tư y tế 51 quốc gia, thể hiện truyền thống gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn.
Đặc biệt, Việt Nam được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về duy trì tăng trưởng kinh tế giữa lúc nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm và được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Trong khi đó, xuất khẩu vẫn tăng trưởng 2,6% trong khi thương mại toàn cầu giảm 40%. Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới bày tỏ mong muốn mở rộng hoặc tăng cường đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19 vì sự ổn định của đất nước và hiệu quả đồng vốn đầu tư.
Đáng chú ý, trong tổng mức thặng dư thương mại kỷ lục (18 tỉ USD), xuất siêu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 17,1 tỉ USD, bước đầu chứng minh lợi ích thiết thực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).
MỸ LINH