/ Tin tức
/ Phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

13/05/2022 08:33 |

(LSVN) - Bộ Công an đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa.

Dự thảo nêu rõ nguyên tắc phối hợp trong thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phải được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và của mỗi bộ, ngành.

Hình thức phối hợp gồm có trao đổi trực tiếp và trao đổi gián tiếp. Trong đó, trao đổi trực tiếp là tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác, thành lập tổ công tác liên ngành và các hình thức phối hợp trực tiếp khác. Trao đổi gián tiếp là họp trực tuyến, trao đổi, cung cấp thông tin thông qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác. 

Dự thảo đề xuất áp dụng nguyên tắc có đi có lại, trong đó quy định cụ thể việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Việc xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với nước ngoài dựa trên các căn cứ sau:

- Sự cần thiết, nhu cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong quan hệ chung với nước có liên quan.

- Không trái pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế.

- Sự phù hợp về yêu cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu có.

- Sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.

HỒNG HẠNH

Có phải thực hiện công chứng, chứng thực khi mua bán chung cư?

Lê Minh Hoàng