/ Đời sống - Xã hội
/ Phòng chống ma túy: Trách nhiệm của mỗi gia đình 

Phòng chống ma túy: Trách nhiệm của mỗi gia đình 

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nếu đem so sánh với các loại tệ nạn xã hội khác, ma túy bao giờ cũng là nỗi kinh hoàng, là điều khiến xã hội quan ngại nhất. Tác hại của ma túy đối với con người, ai cũng hiểu, thậm chí nắm rất rõ: nó hủy hoại biết bao cuộc đời, đẩy nhiều gia đình vào hố sâu thảm kịch.

Ảnh minh họa. 

Truyền thông về phòng chống ma túy cho phụ huynh 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình ma túy hiện nay, công tác truyền thông cho phụ huynh học sinh cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, phần lớn phụ huynh học sinh không biết hoặc có biết nhưng không sâu về các vấn đề liên quan đến ma túy.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, các buổi truyền thông dành cho phụ huynh đã được tổ chức tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội của PSD đã chỉ ra thực trạng, khi được hỏi về các dấu hiệu nhận biết con em mình có sử dụng ma túy, 90% các bậc phụ huynh không có câu trả lời đầy đủ, kể cả những dấu hiệu đơn giản, dễ nhận biết về vấn đề nêu trên. 

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ với các em học sinh, sinh viên, tạo lỗ hổng để tội phạm buôn bán ma túy lợi dụng, lôi kéo các em. Việc thường xuyên cung cấp thông tin, thông qua hoạt động truyền thông, tập huấn cho phụ huynh học sinh về ma túy, tác hại của ma túy, kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện con em mình có sử dụng ma túy,… cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa.

Trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma tuý

Các gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý. Phải giáo dục cho con em mình hiểu sâu tác hại của ma tuý để các em không bị lôi kéo vào ma tuý. Không cho con em mình chơi thân, tiếp xúc với những em bỏ học, những người có biểu hiện nghiện hút ma tuý. Giáo dục thông qua sách báo, phim ảnh; băng hình, giải thích… với con em mình và trẻ xung quanh. Quản lý chặt chẽ các quá trình học tập chính khoá, học thêm, vui chơi ngoài giờ, quan hệ với bạn bè, sử dụng tiền…

Mỗi gia đình phải tích cực đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và người khác. Phải phát hiện kịp thời và báo tin những vấn đề có liên quan đến ma tuý cho cơ quan phòng, chống ma tuý. Mỗi người đều phải nâng cao ý thức tự giác và tích cực tham gia phong trào quần chúng, ngăn chặn hiểm hoạ ma tuý là trực tiếp bảo vệ gia đình mình. Gia đình là nơi phát hiện sớm những biểu hiện tiêu cực, những vi phạm, trong đó có tệ nạn và tội phạm về ma tuý.

Cần có bộ tài liệu phòng chống ma túy cho phụ huynh 

Trên thực tế, có nhiều phụ huynh còn không hiểu rõ về ma túy, các loại ma túy để tuyên truyền cho con cái. Bởi vậy, đòi hỏi cần có bộ tài liệu chuẩn về phòng chống ma túy cho phụ huynh. 

Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học... mới đây, PSD đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh THCS; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh THPT, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sách do Viện PSD biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, NXB Y học phát hành. Sách được giới thiệu trên trang chủ của NXB Y học. Các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm đều có thể tìm mua. 

PV

Lê Minh Hoàng